Chính phủ quyết nghị khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh vào 30/6/2023. Ảnh: NLĐ.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và TP Hồ Chí Minh, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.
Nghị quyết nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần: Bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022.
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/11/2022.
Bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022.
Địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: Bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, Tư vấn giám sát,... và khởi công: Bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023.
Tổ chức thi công: Bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026.
Chính phủ cho phép UBND các địa phương trên được triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Thay vì phải làm theo thứ tự, Chính phủ cũng cho 4 địa phương triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Chẳng hạn như: thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu…
Trong quá trình triển khai dự án, 4 địa phương trên cũng được áp dụng các cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cụ thể, các mỏ đang hoạt động, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho Dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!