Các nhà đầu tư lo ngại sự chậm trễ trong tiêm chủng có thể làm trì hoãn quá trình phục hồi nền kinh tế ở châu Âu. Bloomberg Economics nhận định, việc trì hoãn mở lại hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian 1 - 3 tháng có thể khiến nền kinh tế EU thiệt hại từ 50 tỷ - 100 tỷ Euro.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu Airfinity, việc ký các hợp đồng cung cấp vaccine mới và tăng cường sản xuất vaccine sẽ cho phép EU tiêm vaccine cho 75% dân số trưởng thành vào cuối tháng 8 năm nay.
Tuy nhiên, ngay cả với kịch bản này, EU vẫn sẽ phải bỏ lỡ mùa du lịch thứ hai liên tiếp - một rủi ro nghiêm trọng đối với nền kinh tế khu vực.
EU có thể mất 100 tỷ Euro do tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm. Ảnh minh họa: IranPress.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9h ngày 8/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 117.435.194 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.604.847 ca tử vong; số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục là gần 93 triệu ca trong khi vẫn còn khoảng 21,89 triệu ca đang được điều trị.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 29.696.250 ca nhiễm và 537.838 ca tử vong. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với hơn 11,22 triệu ca nhiễm và gần 158 nghìn ca tử vong được ghi nhận. Brazil đứng thứ 3 với hơn 11 triệu ca nhiễm và 265.500 ca tử vong.
Tại châu Âu, ngày 7/3 nước Anh ghi nhận thêm 5.177 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 4.218.520 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 82 ca lên 124.501 ca.
Cũng trong ngày 7/3, Pháp công bố 21.825 ca mắc mới, giảm so với 23.306 ca mắc mới một ngày trước đó. Trong 24 giờ qua, Pháp cũng ghi nhận thêm 130 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 88.574 ca. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng số ca mắc là 3.904.233 ca. Trong một diễn biến có liên quan, Pháp hiện có 3.772.579 người được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!