Trong tuần qua, Italy đã trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên áp dụng quy định của EU cho phép ngừng xuất khẩu vaccine COVID-19 nếu cần. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc gia hạn biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine có thể làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia khác, đồng thời đe dọa tới cuộc chiến chống COVID-19.
Theo kế hoạch kiểm soát xuất khẩu vaccine COVID-19 của EU, các công ty phải xin phép trước khi xuất khẩu vaccine và có thể bị từ chối yêu cầu xuất khẩu nếu họ không tôn trọng các cam kết cung cấp của mình với EU.
Cơ chế này được thiết lập vào cuối tháng 1 khi các nhà sản xuất vaccine thông báo về việc giao hàng chậm trễ cho khối này. Vào thời điểm đó, một làn sóng phản đối kịch liệt từ các nước nhập khẩu đã xuất hiện do lo ngại nguồn cung vaccine của họ có thể bị ảnh hưởng. Và vào tuần qua, biện pháp này đã chính thức được áp dụng lần đầu khi Italy chặn 250.000 liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại nhà máy ở nước này xuất khẩu sang Australia. Sau Italy, Pháp cũng đang cân nhắc chặn vận chuyển vaccine tới các quốc gia khác.
Việc EU gia hạn biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine có thể đe dọa tới cuộc chiến chống COVID-19. (Ảnh: AP)
Anh nhận định, sự phục hồi khỏi COVID-19 dựa vào hợp tác quốc tế, tất cả các nước đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc áp đặt các hạn chế sẽ chỉ gây nguy hiểm cho những nỗ lực chống COVID-19 trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, cơ chế của EU còn có thể kéo theo một hệ quả nghiêm trọng khác. Theo đó, việc EU áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vaccine có thể khiến các nước khác làm theo, dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung vaccine toàn cầu, gây ra một thảm họa ở cấp độ quốc tế.
Hiện nhiều nước đang kêu gọi EU chấm dứt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine vào cuối tháng 3/2021 thay vì gia hạn đến tháng 6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!