Nội dung chính cuộc họp hai ngày này là thảo luận về cơ chế liên minh ngân hàng, một cơ chế có mục đích giúp nhau giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và ngăn ngừa chuyện này tái diễn.
Cơ chế liên minh ngân hàng cho Ngân hàng Trung ương châu Âu quyền được giám sát và tác động tới mỗi ngân hàng, cũng có nghĩa là giảm bớt quyền quyết định của mỗi quốc gia đối với ngân hàng của nước mình. Dự thảo về cơ chế này đã được các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đưa ra từ tháng 12 năm ngoái, nhưng Nghị viện châu Âu cho đến lúc này vẫn không chịu thông qua.
‘ Ảnh minh họa
Thời gian không chờ đợi, tháng 5 tới đây bầu cử Nghị viện châu Âu, nếu dự thảo không được Nghị viện khóa này thông qua trước tháng 5 thì sau đó sẽ mất thêm rất nhiều thời gian, vì sẽ phải lặp lại các bước trình dự thảo lên Nghị viện khóa mới. Trong cuộc họp vừa kết thúc tại Bruxelles, Bộ trưởng Tài chính của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã tìm cách thuyết phục Nghị viện châu Âu thông qua dự thảo, bằng cách giản lược một số chi tiết trong cơ chế này.
Các Bộ trưởng đã thống nhất được cơ chế hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi có một ngân hàng bị phá sản phải đóng cửa. Cơ chế này sẽ làm giảm tình trạng một ngân hàng hấp hối trên đống nợ xấu, nhưng Chính phủ không dám cho phá sản do lo ngại đổ vỡ dây chuyền và ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền.
Theo thông tin công bố tại Bruxelles, các khoản vay có thể tạo ra nợ xấu vẫn đang gia tăng tại Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Italy, chỉ có Tây Ban Nha là đã kiềm chế được mức tăng nợ xấu.