Tại khu vực ĐBSCL, sầu riêng Ri 6 có giá từ 50.000 đồng/kg - 110.000 đồng/kg tùy thuộc vào loại A,B,C. Tại khu vực miền Đông Nam Bộ, sầu riêng loại này có giá 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Ở Tây Nguyên, giá sầu riêng Ri6 đẹp thấp nhất trong các khu vực, chỉ ở mức 57.000 - 59.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sầu riêng Thái đẹp tại Tây Nguyên có mức giá cao nhất trong số các khu vực, từ 94.000 - 100.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong ngắn hạn, với sự điều chỉnh nhẹ tùy thuộc vào nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ. Khu vực Tây Nguyên có khả năng duy trì mức giá cao do chất lượng sản phẩm vượt trội và nhu cầu lớn từ các thị trường xuất khẩu.
Liên kết mở rộng mô hình sầu riêng bền vững
Tính riêng trong tháng 9, xuất khẩu sầu riêng đã chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Còn tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt tới 2,7 tỷ USD, kỷ lục xuất khẩu chưa từng có với một loại trái cây của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng của chúng ta đang chịu cạnh tranh khá lớn tại thị trường chính là Trung Quốc. Vì thế đây cũng là thời điểm để đẩy mạnh việc hình thành những mô hình sầu riêng bền vững.
Thị trường sầu riêng ở các khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên ghi nhận sự ổn định, nhưng với mức giá tương đối cao.
Là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam, từ đầu năm 2024 tới nay, sản lượng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk trên 300.000 tấn chiếm 1/3 của cả nước. Tuy nhiên, không chỉ chạy theo sản lượng, ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng sớm đề ra mục tiêu phát triển ngành sầu riêng bền vững, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Những vùng trọng điểm hướng sẽ phải hình thành nên các liên kết sản xuất giữa các tổ chức nông dân, đó là tổ hợp tác xã với các doanh nghiệp và phải áp dụng chặt chẽ các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt để làm sao đảm bảo chất lượng mới có thị trường và xuất khẩu nâng cao giá trị".
Sau 21 năm trồng sầu riêng, có năm thu tới vài tỷ tiền bán sầu, nhưng ông Nguyễn Văn Sứ (Huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) vẫn quyết định thay đổi phương thức cũ, để trở thành nhà vườn đầu tiên tham gia vào mô liên kết nông nghiệp tiên phong, nhà nông thịnh vượng, để làm quen phương thức mới, với những đổi tác cung cấp vật tư đầu vào từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới nước mới. Đặc biệt mong muốn liên kết được nhiều hộ nông dân khác, để cùng nhau canh tác theo hướng bền vững
Khi tham gia mô hình liên kết này, người nông dân chỉ cần đến điểm tư vấn là có thể mua được phân, thuốc bảo vệ thực theo đúng quy trình của các nhà khoa học hướng dẫn. Việc này giúp họ kiểm soát được vật tư đầu vào, hạn chế tối đa việc sản phẩm sầu riêng còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vậ.
Mỗi mô hình dự kiến liên kết các hộ nông dân trên địa bàn khoảng 5 xã, lấy một mô hình mẫu làm hạt nhân và có 5 điểm tư vấn kỹ thuật và cung cấp vật tư đầu vào cho bà con nông dân trồng sầu riêng và cà phê. Tiến tới mô hình sẽ chung cấp thêm giải phát về tín dụng và đầu ra cho mô hình.
Hợp tác công tư phát triển ngành sầu riềng bền vững
Như vậy, có thể thấy nông dân là hạt nhân của những liên kết, còn các doanh nghiệp là người dẫn dắt. Vì họ chính là người cung cấp kỹ thuật canh tác mới, cung cấp vật tư và thậm chí sẽ có những doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra bền vững cho hộ nông dân. Điều đặc biệt là có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế và mô hình này đã từng thành công ở Ấn Độ, Thái Lan.
Tổ chức điểm hỏi, lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ngay tại vườn, các doanh nghiệp tham gia vào mô hình cam kết sẽ đồng hành cùng bà con.
Ông Kg Krishnamurthy - Giám đốc Nhánh khoa học cây trồng của Bayer Việt Nam cho biết: "Thông qua hợp tác từ khối nhà nước, đến các chuyên gia nông nghiệp, cộng đồng địa phương và các đối tác trong chuỗi giá trị nông nghiệp, chúng ta có thể phát triển các chiến lược toàn diện nhằm đồng hành cùng các nông hộ nhỏ, thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường và tạo nên những tác động tích cực và lâu dài".
"Chúng tôi đã có mặt ở Việt Nam 25 năm, chúng tôi hiểu bà con nông dân ở đây và đã thiết lập ra quy trình tưới tiêu chính xác, vừa tưới tiêu cho cây và chăm sóc dinh dưỡng cho cây trồng", anh Yonai Roei - Giám đốc Kinh doanh Netafim Đông Nam Á cho hay.
Có một thực tế ở Việt Nam là tỷ lệ lãng phí phân bón tới 50%, với mô hình này việc lãng phí này sẽ được hạn chế triệt để.
Với sự chung tay của nhiều đối tác cung cấp các giải pháp nông nghiệp đa dạng, hy vọng trong thời gian tới, dự án này sẽ mang lại sự chuyển đổi tích cực, dài lâu ở nhiều khía cạnh cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam, mang đến một tương lai và cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng nhà nông, đúng với tinh thần và tên của dự án - Nông nghiệp Tiên phong, Nhà nông Thịnh vượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!