Uỷ ban châu Âu cảnh báo thâm hụt ngân sách tại 8 quốc gia thành viên có thể tăng lên 7% Tổng thu nhập quốc dân (GDP), Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức mở phiên điều trần với 8 nước này.
Động thái này diễn ra sau 4 năm EU không áp dụng khung thâm hụt, còn được biết đến là Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, do cuộc khủng hoảng COVID-19 và tình trạng giá năng lượng tăng đột biến.
Thủ tục tố tụng thâm hụt với 7 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu gồm Bỉ, Pháp, Italy, Hungary, Malta, Ba Lan và Slovakia đã được Hội đồng Liên minh châu Âu khởi động, đồng thời, tiếp tục thủ tục pháp lý đã áp dụng với Romania từ năm 2020.
Giới chức châu Âu đã liên lạc với Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên và đề xuất lộ trình khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách. 2 giải pháp được đưa ra là phải tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu.
Việc triển khai các biện pháp này sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của Liên minh châu Âu nhằm đạt được mục tiêu là phải giữ mức thâm hụt ngân sách trong nước không vượt quá 3% GDP, với tổng nợ dưới 60% GDP. Uỷ ban châu Âu cho biết nợ công của Pháp và Bỉ hiện vượt quá 100% GDP, trong khi những quốc gia này còn đang nỗ lực thành lập chính phủ từ các liên minh sau bầu cử.
Theo dự kiến, Bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thông qua các khuyến nghị chính thức dành cho các quốc gia phải giảm thâm hụt vào tháng 12 năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!