Cấp hơn 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu từ 1/8, đến nay đã được hơn 1 tháng. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ trong tháng 8 vừa qua, tháng đầu tiên hiệp định này có hiệu lực, cơ quan chức năng đã cấp hơn 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các sản phẩm xuất đi châu Âu. Tổng kim ngạch gần 280 triệu USD. Các nước nhập khẩu chủ yếu là: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới nơi, được thông quan và được hưởng ưu đãi.
Đây là những con số chưa từng có từ trước tới nay, không chỉ cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam tới thị trường EU mà còn cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này đối với hàng hóa Việt nam.
Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương nhanh gọn, tiện lợi, cập nhật online… Chỉ trong tháng 8, qua hệ thống này, các tổ chức được ủy quyền đã duyệt cấp hơn 7.200 chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là một con số rất lớn, được xem là tín hiệu rất tích cực đối với xuất khẩu hàng hóa sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ EVFTA. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Số lượng chứng nhận xuất xứ tăng mạnh còn xuất phát từ việc các nhà xuất khẩu đã được phép tự chứng nhận xuất xứ đối với các lô hàng xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro. Thương nhân chỉ cần đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và chứng từ liên quan lên cổng thông tin dịch vụ công của Bộ Công Thương (web: www.ecosys.gov.vn). Cơ chế này mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu đa dạng hóa các đơn hàng hơn với các doanh nghiệp kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa của mình.
Giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may… là các nhóm hàng hóa được cấp giấy chứng nhận xuất xứ sang châu Âu trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng trên 40% vào năm 2025, mở ra cơ hội lớn, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam.
Khi nhập khẩu vào EU, hàng hóa Việt Nam sẽ được phân bổ theo cơ chế "doanh nghiệp nào đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước", cụ thể là tính theo ngày xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu EU đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam từ rất sớm để có thể vận chuyển các lô hàng tới cảng ngoại quan tại các nước EU chờ sẵn để có thể thông quan vào ngày 1/8, ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến cho các lô hàng xuất khẩu sang EU trong tháng 7 tăng đột biến, đặc biệt là cá ngừ. Nhóm các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô tăng trên 2.600% so với cùng kỳ 2019.
Hiện Đức, Italy và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức 3 con số lần lượt là: 119%, 200% và 210%.
Xuất khẩu thủy sản nhận nhiều tín hiệu tốt từ EVFTA
Trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận ở mức 22,9 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tốt hơn sang thị trường EU. Có được kết quả là nhờ Chính phủ Việt Nam nỗ lực kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hoạt động nuôi, chế biến không bị đứt gãy. Việc nghiêm túc thực hiện thực thi EVFTA của Chính phủ Việt Nam đã cho thấy những kết quả bước đầu.
Đầu tư nuôi tôm sạch, số lượng lớn, đặc biệt đạt chứng nhận ASC, tiêu chuẩn bắt buộc để xuất khẩu tôm vào châu Âu, ông Phi (Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Việt Úc) rất vui khi liên tiếp được các nhà máy đặt mua nguyên liệu. Đặc biệt, từ ngày 1/8 năm nay, tôm sẽ hưởng thuế suất 0% khi vào EU theo cam kết của EVFTA.
Nhờ đầu tư chế biến sâu, việc tiếp cận thị trường châu Âu của các mặt hàng như cá tra cũng khá thuận lợi. (Ảnh: Dân trí)
Đến cuối tháng 8/2020, xuất khẩu tôm nước ta đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tín hiệu vui là ngay sau khi Hiệp định EVFTA thực thi, các nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung tìm đến tôm Việt Nam.
Không chỉ tôm, các mặt hàng khác như: cá tra, mực, cá ngừ…, nhờ đầu tư chế biến sâu nên việc tiếp cận thị trường châu Âu cũng khá thuận lợi.
Hiện châu Âu là thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 20% thị phần. Theo Tổng cục Thủy sản, EU là thị trường đòi hỏi cao với rất nhiều quy định về hạn chế hóa chất độc hại, an toàn sản phẩm tiêu dùng, điều kiện về môi trường, trách nhiệm xã hội. Vì vậy, các DN Việt cần thực hiện việc truy xuất nguồn gốc; các địa phương đẩy nhanh tốc độ cấp mã số vùng nuôi nguồn gốc hải sản và triển khai đồng bộ các khuyến nghị của EC.
Các bộ ngành cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA; phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xây dựng pháp luật thể chế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định quan trọng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!