Sự kiện này được ví như con đường cao tốc thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức thông tuyến. Đây là Hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam, với 99% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho cả hai bên theo lộ trình.
Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết cho chúng ta mức ưu đãi cao nhất. Trong khi đây lại đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam vốn đã có nhiều lợi thế khi vào EU, nay lại càng rộng cửa để vào thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao công hàm thông báo phê chuẩn EVFTA cho Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti ngày 18/6. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Gạo Việt Nam vốn chịu thuế nhập khẩu vào châu Âu ở mức rất cao, có thể lên đến 50%, thì nay, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Các sản phẩm rau, củ, quả tươi và chế biến, nước hoa quả, sản phẩm nhựa, gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan.
Giày dép sẽ xóa bỏ thuế đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Với hàng dệt may, trong vòng 5 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp được dành hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Ở chiều ngược lại, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với 61% dòng thuế máy móc thiết bị, 71% các sản phẩm dược, 80% nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Lộ trình giảm thuế về 0% từ 3 - 10 năm cho các sản phẩm tiêu dùng khác như: thịt bò, sữa, thịt lợn đông lạnh; thịt gà; đồ uống có cồn.
Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện, thiết bị vận tải và ưa chuộng nhất là các loại ô tô BMW, Mercedes, Audi, Volvo... Sau EVFTA, sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế này trong 9 - 10 năm.
Có thể thấy rất nhiều ưu đãi cho các mặt hàng vốn là thế mạnh của chúng ta sẽ được mở ra ngay từ ngày hôm nay. Trong bối cảnh thế giới bị tác động bởi chiến tranh thương mại hay dịch bệnh như hiện nay, EVFTA với những ưu đãi tới thị trường của 27 quốc gia châu Âu sẽ là cơ hội để chúng ta khôi phục đà tăng trưởng.
Theo mục tiêu đề ra, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành Da giày, túi xách Việt Nam sẽ đạt 24 tỷ USD. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch, nên nửa đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thị trường EU được kỳ vọng sẽ giúp ngành da giày tăng trưởng khoảng 10% trong những tháng cuối năm.
EU không phải là một thị trường đồng nhất mà là 27 thị trường khác nhau, mỗi thị trường có nhu cầu, thị hiếu khác nhau. Theo nghiên cứu của các Thương vụ Việt Nam ở châu Âu, Thuỵ Điển đã hết dư địa cho xuất khẩu điện thoại nhưng tiềm năng về cà phê lại rất nhiều. Hay tại Đan Mạch, đồ may mặc nữ có tiềm năng và thuỷ sản, giày dép còn rất nhiều dư địa. Còn các mặt hàng nông sản nhiệt đới của chúng ta cũng được ưa chuộng ở nhiều nước EU.
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu những ngành hàng thế mạnh của ta lên khoảng trên 40 - 50% trong khoảng 5 - 10 năm tới. Tuy nhiên, việc bước vào sân chơi lớn với nhiều quy định, luật lệ khắt khe, việc làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu và tận dụng được cơ hội sẽ là một thách thức lớn được đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!