EVFTA mở đường cho hàng hóa châu Âu chất lượng cao vào Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 10/06/2020 19:41 GMT+7

Hiệp định Thương mại tự do EVFTA - được ví như con đường cao tốc thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - chỉ còn chờ đến thời điểm chính thức có hiệu lực. (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Theo các chuyên gia, chỉ tính riêng các nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng của châu Âu sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng tại Việt Nam khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Cơ hội từ EVFTA với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam

Đến thời điểm này, có thể nói, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA - được ví như con đường cao tốc thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - chỉ còn chờ đến thời điểm chính thức có hiệu lực, dự kiến đầu tháng 8 tới đây.

Hiệp định này thể hiện cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ với 99% số dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình cho cả hai bên, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Và ngược lại, nhiều hàng hóa EU chất lượng cao cũng chờ thời cơ để đổ vào thị trường Việt Nam tiềm năng với hơn 100 triệu dân này.

Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ bỏ ngay gần một nửa số dòng thuế cho hàng hóa EU. Sau 7 năm tăng lên 91,8% và sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan khoảng 98,3% số dòng thuế. Tới lúc đó, người tiêu dùng Việt sẽ mua các sản phẩm thương hiệu châu Âu ngay tại Việt Nam với giá như ở châu Âu vậy.

Ví dụ như cam kết về ô tô trong EVFTA, những xe trên 2.500 phân khối mức thuế sẽ giảm dần đều trong 9 năm về 0%. Loại xe dưới 2.500 phân khối thì trong 10 năm thuế về 0%. Một ví dụ khác như thịt lợn chẳng hạn, châu Âu đứng đầu về xuất khẩu thịt lợn trên thế giới, lộ trình giảm thuế trong EVFTA cho thịt thịt lợn là 9 năm.

EVFTA mở đường cho hàng hóa châu Âu chất lượng cao vào Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam sẽ bắt đầu lộ trình bỏ 70% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu trong 9-10 năm bắt đầu từ tháng 8/2020 đến hết tháng 8/2030. (Ảnh: Dân trí)

Lộ trình giảm thuế hàng hóa EU vào Việt Nam

Trên đây mới chỉ là thịt lợn, xe hạng sang từ EU vào Việt Nam, vậy còn những mặt hàng tiêu dùng nào nữa sẽ được xóa bỏ thuế và đến bao giờ mua được hàng châu Âu chất lượng cao với giá rẻ hơn?

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải và ưa chuộng nhất là các loại ô tô. Hiện xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu như BMW, Mercedes, Audi, Volvo, Marserati vào Việt Nam đang chịu thuế suất 70%. Sau EVFTA, sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế này trong 9 - 10 năm.

EVFTA mở đường cho hàng hóa châu Âu chất lượng cao vào Việt Nam - Ảnh 2.

EVFTA mở đường cho hàng hóa châu Âu chất lượng cao vào Việt Nam. (Ảnh: Dân trí).

Tương tự, lộ trình giảm thuế về 0% từ 3 - 10 năm cho các sản phẩm tiêu dùng khác như sau:

+ Thịt bò;

+ Sữa và sản phẩm sữa;

+ Cá và các sản phẩm cá;

+ Thịt lợn đông lạnh;

+ Thịt gà;

+ Đồ uống có cồn.

Với các mặt hàng công nghiệp, dược liệu, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với 61% dòng thuế máy móc thiết bị, 71% các sản phẩm dược, 80% nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam

Dù phần lớn hàng hóa châu Âu và hàng Việt không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bù đắp lẫn nhau song rõ ràng nhiều mặt hàng lâu đời của châu Âu như thịt, sữa hay hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thuốc sẽ khiến các ngành hàng tương tự trong nước đứng trước cuộc cạnh tranh mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự đoán đạt 30 triệu người vào năm nay. Đây là nhóm đối tượng lâu nay tiêu thụ các loại thực phẩm, nước uống cao cấp nhập ngoại. Tuy nhiên khi được miễn giảm thuế theo Hiệp định EVFTA, nhiều loại hàng châu Âu về cơ bản không còn quá xa xỉ, ngày càng nhiều người Việt có thể mua được. Điều này thách thức chỗ đứng của hàng hóa sản xuất trong nước ngay tại sân nhà.

Thực tế là nguời tiêu dùng đã ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng, thương hiệu và uy tín của nhà sản xuất đó và có vẻ như điều này hàng hóa châu Âu đang có ưu thế.

Trước đó, rất nhiều nhà cung cấp Pháp, Đức, Hà Lan đã chủ động tiếp cận kênh phân phối hiện đại của ta để nắm thị trường, đón đầu hiệp định. Cách thức xúc tiến, thâm nhập thị trường rất chủ động và bài bản cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm.

Theo nhiều đơn vị tư vấn quốc tế, ngoài sự cạnh tranh trực tiếp hàng hóa, nhiều nhà đầu tư châu Âu cũng đang có kế hoạch đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tiêu thụ hàng hoá ngay tại đây. Bề dày kinh nghiệm về thu thập thông tin và phân tích thị trường để cho ra sản phẩm đúng thị hiếu là thế mạnh vốn có của các nước phát triển. Điều này chính là sức ép lên sản xuất trong nước vốn chủ yếu là DN vừa và nhỏ.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam có 15 Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đã ký hoặc đang đàm phán. Việt Nam cũng đã có tới hơn 13 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Và kinh nghiệm cũng cho thấy rằng: cạnh tranh lành mạnh cũng chính là sự sàng lọc cần thiết buộc các doanh nghiệp trong nước phải lớn lên. Ngoài ra, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, dự kiến thu ngân sách sẽ giảm khi giảm thu thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, thu nội địa sẽ tăng theo đà tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước