Mới đây, giới chức Mỹ và một số nước châu Âu đã lên tiếng thúc giục ông chủ Facebook Mark Zuckerberg phải trực tiếp giải trình về vấn đề này, đồng thời kêu gọi mở các cuộc điều tra đối với vụ việc và không loại trừ khả năng sẽ thắt chặt quy định đối với các hãng công nghệ. Vậy sự việc lần này của Facebook nghiêm trọng tới mức nào?
Có một số yếu tố khiến những người đang dùng Facebook cảm thấy bất an.
Thứ nhất, sự việc này chỉ bị lộ ra khi một nhân viên của Cambridge Analytica nghỉ việc và nói ra với báo chí.
Thứ hai, Facebook đã biết việc này từ trước, dù cảnh báo công ty trên phải hủy dữ liệu đã thu thập nhưng Facebook lại không có cảnh báo với người dùng hiện tại.
Thứ ba, việc công ty thu thập dữ liệu kể trên thực hiện xóa dữ liệu đã thu thập hay không nằm ngoài tầm kiểm soát của Facebook. Chỉ đến khi biết công ty đó không xóa dữ liệu, Facebook mới tiến hành khóa trang mạng xã hội của họ.
Với những yếu tố trên, người dùng Facebook tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung đang đứng trước 2 câu hỏi lớn là "Liệu những dữ liệu đã được thu thập đang được sử dụng vào việc gì?" và "Đang có bao nhiêu công ty như Cambridge Analytica thực hiện việc lấy thông tin cá nhân của người dùng phục vụ cho lợi ích của họ?".
Nghiêm trọng ở chỗ, ngay cả Facebook cũng không thể trả lời chính xác được những câu hỏi này. Facebook cũng phải trả giá khá đắt, theo nghĩa đen, cho sự việc.
Cổ phiếu của hãng đã bị các nhà đầu tư bán tháo trên thị trường chứng khoán New York. Mỗi cổ phiếu đã mất 7% giá trị, tương đương hãng này đã để mất 37 tỷ USD. Trong số 37 tỷ USD này, có 5 tỷ USD của Mark Zuckerberg - ông chủ của hãng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!