FED: Hạ lãi suất không phải chuyện trong ngắn hạn

VTV Digital-Thứ năm, ngày 02/05/2024 10:55 GMT+7

VTV.vn - Tâm điểm chú ý của giới đầu tư đêm qua, đổ dồn vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vừa mới kết thúc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Thị trường phản ứng thận trọng

Đúng như kỳ vọng của thị trường, FED vẫn tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25% - 5,5% và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của cơ quan này. Thông tin này đã được thị trường đón nhận với những phản ứng khá thận trọng.

Chỉ duy nhất chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh, trong khi S&P 500 và Nasdaq dù có lúc đã bật tăng trên 1%, nhưng rốt cuộc đều quay đầu giảm điểm. Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD giảm 0,23%, xuống mức 106,08 sau quyết định của FED.

Tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện phần nào sau khi giới chức FED quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời cho biết vẫn sẽ hướng tới việc cắt giảm, chứ không phải tăng lãi suất như một số ý kiến lo ngại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại về thời điểm FED bắt đầu cắt giảm lãi suất, đặc biệt là sau những phát biểu thận trọng của Chủ tịch FED Jerome Powell.

Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết: "Chúng tôi không kỳ vọng việc giảm lãi suất quỹ liên bang là phù hợp cho tới khi có được niềm tin lớn hơn về việc lạm phát đang được kiềm chế một cách bền vững về mức mục tiêu 2%. Cho tới nay, các dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn chưa thể mang lại cho chúng tôi sự tự tin này. Đặc biệt, như chúng tôi đã lưu ý trước đó, các số liệu về lạm phát vẫn quá cao so với kỳ vọng. Có thể, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến".

FED: Hạ lãi suất không phải chuyện trong ngắn hạn - Ảnh 1.

Tại Mỹ, chi phí lao động gia tăng vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với các nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Chi phí lao động gia tăng gây khó cho FED

Những báo cáo việc làm vừa được công bố tại Mỹ đã xác nhận những lo ngại của giới chức FED. Mặc dù thị trường lao động đã phần nào hạ nhiệt trong tháng 4, khi số việc làm mới trong lĩnh vực tư nhân và số cơ hội việc làm đều giảm. Tuy nhiên, chi phí lao động gia tăng vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với các nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Theo báo cáo của ADP về thị trường việc làm khu vực tư nhân, tăng trưởng tiền lương của người lao động Mỹ trong tháng 4 vẫn ở mức cao, khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Những lao động chuyển việc có thể đạt mức tăng trưởng tiền lương 9,3%.

Trước đó, các báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ cũng cho thấy, chỉ số chi phí lao động trong quý I đã tăng 1,2% so với quý trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng một năm qua và vượt quá mọi dự đoán của các nhà kinh tế. Theo Citigroup, đây là dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng tiền lương đang đi lệch khỏi mục tiêu và có thể trì hoãn tiến trình kiểm soát lạm phát của FED.

FED sẽ giảm siết chặt định lượng

Với việc lạm phát vẫn cao dai dẳng, thị trường hiện đang nghiêng nhiều hơn về khả năng FED sẽ bắt đầu tiến hành cắt giảm lãi suất trong tháng 11, với xác suất là 43,7%. Khả năng FED bắt đầu cắt giảm trong tháng 9, hiện ở mức thấp hơn, chỉ là 42,6%.

Trong khi tiếp tục giữ nguyên quan điểm thận trọng đối với việc cắt giảm lãi suất, giới chức FED lại vừa đưa ra một sự thay đổi đáng kể sau cuộc họp chính sách lần này và thu hút được nhiều sự chú ý của giới đầu tư.

Với nhiều nhà đầu tư, quyết định của Fed lần này khá là "nhàm chán" vì nó nằm trong dự đoán của họ và vẫn như thế kể từ tháng 7/2023 đến nay.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, các quan chức Fed cho rằng quá trình hạ nhiệt lạm phát "thiếu tiến bộ" trong những tháng gần đây. Dù FED không nghĩ đến việc phải tăng lãi suất, nhưng để lạm phát về tới 2% còn phải mất thời gian dài hơn, nên việc hạ lãi suất không phải chuyện trong ngắn hạn.

Nhưng một số nhà đầu tư khác lại hào hứng và cho rằng FED thận trọng như vậy là đúng. Và có một thứ khiến họ có lý để tin vào FED. Đó là cơ quan này đã quyết định sẽ giảm tỷ lệ siết chặt định lượng.

Kể từ mùa hè năm 2022, mỗi tháng FED đã để 60 tỷ USD trái phiếu Chính phủ đáo hạn mà không tái đầu tư. Ý tưởng là để giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, hạ nhiệt phần nào lạm phát.

Quá trình siết chặt này cũng đã làm giảm lượng tiền trong hệ thống ngân hàng, dẫn tới lãi suất cao và điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn, khiến một số ngân hàng nhỏ rơi vào "khủng hoảng thanh khoản".

Cuộc họp hôm nay đánh dấu một mốc quan trọng là kể từ tháng 6, FED sẽ chỉ giữ 25 tỷ USD trái phiếu Chính phủ đáo hạn mà không tái đầu tư, giảm từ mức 60 tỷ USD so với kế hoạch cũ.

Theo các chuyên gia, việc FED chậm lại tốc độ siết chặt định lượng như vậy sẽ khiến giá của các trái phiếu tăng lên và các mức lãi suất từ các ngân hàng giảm.

Và như một kết quả từ việc này, thị trường tài chính sẽ có động lực để đầu tư vào các doanh mục nhiều rủi ro hơn như cổ phiếu. Và đây cũng là cách hạ nhiệt thận trọng, giảm cơn khát lãi suất chủ chốt mà thị trường đang mong chờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước