Cứ mỗi 3 khoản tín dụng của ngân hàng, 1 trong số đó được cấp dựa trên điểm tín dụng khách hàng, được cung cấp bởi duy nhất 1 công ty fintech. Cách thức là fintech sử dụng các nguồn dữ liệu thay thế để đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng, từ đó là căn cứ để các tổ chức tài chính cho người tiêu dùng vay các khoản vay và là căn cứ để xác định lãi suất. Đây chỉ là một trong những giải pháp mà fintech đang cung cấp cho ngân hàng để đổi mới nhiều dịch vụ trong lĩnh vực này.
Những người làm việc tự do, chủ cửa hàng và công nhân, những người trước đây hầu như không nhận được khoản vay từ ngân hàng hoặc thậm chí các công ty tài chính phi ngân hàng, chiếm đến 70% giao dịch từ nền tảng của fintech TrustingSocial. Đầu não của TrustingSocial chính là các trung tâm nghiên cứu và phát triển với đóng góp chất xám của hơn 80 nhà khoa học dữ liệu, học máy và thống kê. Đây là fintech Việt sở hữu nguồn dữ liệu điểm tín dụng lớn nhất tại khu vực châu Á. Chỉ duy nhất 1 nền tảng nhưng họ tuyên bố đang thay đổi cả cục diện của thị trường cho vay.
Cũng là một sản phẩm đạt giải, fintech Việt có tên Interloan lại nhắm đến một thị trường ngách của mô hình peer-to-peer lendings cung cấp giải pháp tạm ứng lương và đầu tư vi mô trong một cộng động đã được xác tín.
TrustingSocial hay Interloan đều có điểm chung là tạo ra một mắt xích để tự kết nối mình với ngân hàng, sáng tạo nên một mô hình dịch vụ tài chính mới bằng công nghệ, đẩy giới hạn của khái niệm ngân hàng đi xa hơn.
Việt Nam sẽ nổi lên như người dẫn đầu trong khu vực về phát triển giải pháp đổi mới fintech nhờ lượng dân số trẻ đông đảo, luôn cởi mở với công nghệ nên mối quan hệ giữa fintech và ngân hàng xuất phát từ sự thôi thúc gắn kết để phát triển, nếu không hợp tác để đẩy giới hạn của mình đi xa hơn thì sẽ phát triển bế tắc để gia tăng giá trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!