Thời "đổi vận" của những Fintech trung gian thanh toán

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 14/09/2018 11:21 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, hai thành viên lãnh đạo của Grab Việt Nam đã xuất hiện trong Hội đồng quản trị của Moca - một trong những Fintech trung gian thanh toán trên thị trường.

Grab và Moca cam kết sẽ cung cấp ngày càng nhiều tiện ích thanh toán di động từ đầu quý 4/2018. Moca thực tế chỉ là một trong những trường hợp Fintech trung gian thanh toán gần đây có sự xuất hiện của những cổ đông ngoại.

Cuối tháng 9/2017, DealstreetAsia dẫn nguồn tin cậy cho biết SEA - một trong những startup kỳ lân của Đông Nam Á - đã sở hữu 82% cổ phần của Foody và trở thành cổ đông của VNPay. Trước đó cuối năm 2016, một thương vụ khác là UTC Investment của Hàn Quốc thâu tóm VNPT Epay. Cùng năm, Momo - ứng dụng di động về thanh toán cũng nhận khoản đầu tư 28 triệu USD trong vòng huy động vốn Series B từ Standard Chartered và Goldman Sachs.

Đằng sau những thương vụ này, đều có những toan tính riêng từ cả bên đầu tư và bên nhận góp vốn. Khi Fintech bùng nổ trong 5 năm gần đây, giới chuyên gia từng gọi đây là "đối thủ đáng gờm của ngành ngân hàng".

Không cần nhắc lại quá nhiều tiềm năng phát triển Fintech từ quy mô dân số trẻ và tỷ lê người dùng Internet hay smartphone nữa mà đi sâu một chút vào các toan tính, không cớ gì Grab nhảy vảo mảng thanh toán, đằng sau thương vụ mua Fintech là mở rộng hệ sinh thái hoạt động. Sau một thời gian vào thị trường Việt Nam, không chỉ dừng ở lĩnh vực đi chung xe với GrabBike, GrabCar, mà gần đây đã mở rộng ra nhiều mảng hoạt động khác như chuyển phát - GrabExpress hay chuyển đồ ăn - GrabFood Delivery. Dịch vụ trung gian thanh toán sẽ là mảnh ghép còn thiếu để kết nối các dịch vụ này trở thành một thể thống nhất.

Trước sức nóng của vốn ngoại đổ vào Fintech, một tờ báo của ngành ngân hàng là Thời báo ngân hàng đã có quan điểm riêng: Sức nóng là dễ hiểu nhưng quản lý thì sao?. Bởi cho đến hiện tại, những quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với các TCTD phi ngân hàng đang được thực hiện theo quy định của công ty đại chúng là không quá 49%. Với tỷ lệ này, đã khá nhiều tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng vượt qua ngưỡng cho phép của pháp luật.

Thời báo ngân hàng viết ngắn gọn: Giới hạn room ngoại là cần thiết. Bởi hoạt động thanh toán là hoạt động kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Để tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu không có những quy định điều kiện chặt chẽ để kiểm soát thị trường, sự đầu tư ồ ạt của hàng loạt các tập đoàn nước ngoài lớn sẽ tiếp tục gia tăng ở mảng thanh toán tại Việt Nam. Lúc này, các rủi ro về chuyển tiền lậu, thanh toán trái phép, rửa tiền sẽ diễn biến càng phức tạp và khó quản lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước