G7 đạt được thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu, tối thiểu là 15%

TTXVN/VTV-Chủ nhật, ngày 06/06/2021 08:21 GMT+7

Bộ trưởng tài chính các nước G7 cùng các quan chức khác chụp ảnh ở London ngày 5/6. Ảnh: Reuters

VTV.vn - Ngày 5/6, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí mức thuế doanh nghiệp toàn cầu ít nhất là 15%.

Thông cáo từ các bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ: "Chúng tôi cam kết đạt được một giải pháp hợp lý trong vấn đề phân bổ quyền áp thuế, theo đó các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất. Chúng tôi đảm bảo sự phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các luật thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ toàn bộ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự liên quan đối với tất cả các công ty".

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak cho biết điều này sẽ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty trên toàn thế giới. Ông nói: "Sau nhiều năm thảo luận, các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số".

Thỏa thuận này nhằm mục đích buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn tại các quốc gia nơi họ kinh doanh, không chỉ nơi các tập đoàn này đặt trụ sở chính.

Thỏa thuận lịch sử

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, G7 đã đạt được một cam kết "quan trọng, chưa từng có" hướng tới mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm chấm dứt "cuộc chạy đua xuống đáy" về áp thuế doanh nghiệp. Trong một tuyên bố, bà nêu rõ: "Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu csẽ giúp nền kinh tế toàn cầu thịnh vượng bằng cách tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và khuyến khích các nước cạnh tranh dựa trên những cơ sở tích cực" như giáo dục, nghiên cứu và hạ tầng cơ sở.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong một video đăng tải trên tài khoản Twitter nêu rõ: "Thỏa thuận này là điểm khởi đầu và trong những tháng tới, chúng tôi sẽ cố gắng để mức thuế doanh nghiệp tối thiểu này cao nhất có thể".

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng đánh giá đây là một thỏa thuận "lịch sử" của G7. Theo ông, các doanh nghiệp sẽ không còn có thể trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp. Trong một tuyên bố, ông Scholz nhấn mạnh: "Đây là một tin tốt cho sự công bằng về thuế và tinh thần đoàn kết". Ông cho biết bước đi tiếp theo sẽ là thảo luận về thỏa thuận này của G7 với bộ trưởng tài chính các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cũng ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về quy định thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ phải đáp ứng nhu cầu của cả nước phát triển và đang phát triển.  Đăng tải trên mạng Twitter, ông Donohoe nêu rõ: "Đây là vì lợi ích của mọi người để đạt được một thỏa thuận bền vững, tham vọng và bình đẳng đối với cấu trúc thuế quốc tế".

G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu

VTV.vn - Giữa làn sóng mới của dịch bệnh đe dọa nhiều quốc gia, những thông điệp từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 luôn được dõi theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước