Gã khổng lồ Maersk sắp nối lại hoạt động vận tải qua Biển Đỏ

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 26/12/2023 16:47 GMT+7

VTV.vn - Công ty vận tải biển lớn thứ 2 thế giới Maersk của Đan Mạch mới đây đã tuyên bố sẽ nối lại các hoạt động vận tải qua Biển Đỏ.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tây Ban Nha và Italy cũng tuyên bố họ sẽ không tham gia vào các hoạt động tuần tra liên quân do Mỹ dẫn đầu trên Biển Đỏ. Liệu những động thái mới nhất có phải là tín hiệu cho thấy những làn sóng căng thẳng trên biển Đỏ đã lắng dịu?

Công ty vận tải biển lớn thứ 2 thế giới Maersk của Đan Mạch, trong tuyên bố sẽ nối lại các hoạt động trên Biển Đỏ, đã nhấn mạnh quyết định của họ dựa trên cơ sở là một lực lượng liên quân đã được thiết lập tại biển Đỏ và sẽ hộ tống tàu bè khi vận tải qua nơi đây. Câu hỏi được nhiều trang báo đặt ra là liệu một lực lượng liên quân như vậy có là đủ để xoa dịu những lo ngại hiện nay?

Trang báo Al Jazeera của Qatar nêu lên một lo ngại, đó là ban đầu Washington đã lạc quan tin rằng họ có thể tập hợp một lực lượng hùng mạnh lên tới khoảng 20 quốc gia tham gia Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng. Tuy nhiên thực tế đến nay, nhiều quốc gia lại từ chối. Từ Saudi Arabia hay Ai Cập, những quốc gia vốn có một lực lượng hải quân lớn nằm ngay dọc bờ biển Đỏ. Hay Italy hay Tây Ban Nha cũng cho biết họ sẽ không tham gia sứ mệnh dưới sự chỉ huy của Mỹ, chỉ khi đó phải là lực lượng của Liên minh châu Âu hoặc NATO.

Gã khổng lồ Maersk sắp nối lại hoạt động vận tải qua Biển Đỏ - Ảnh 1.

Tàu chở hàng đang di chuyển ở Biển Đỏ. (Ảnh: AFP)

Các trang báo tại Trung Đông cũng lưu ý tới một câu hỏi, là hải quân Mỹ vốn đã duy trì một số lượng tàu khá lớn trong khu vực. Vậy tại sao lại phải kêu gọi các quốc gia khác cùng chung tay gánh vác một chiến dịch bảo vệ tàu bè tại Biển Đỏ? Điều này có thể một phần là do Mỹ không muốn một mình bị cuốn vào những cuộc đối đầu với lực lượng Houthi. Tuy nhiên nó cũng xuất phát từ một vấn đề không nhỏ khác, đó một chiến dịch tại Biển Đỏ thực ra không hề đơn giản. Mỹ không thể căng sức duy trì một lượng lớn tàu bè tại nơi đây, đặc biệt khi chiến dịch có thể kéo dài.

Những gì người ta ghi nhận được trong những ngày qua là thực tế chỉ có 4 tàu hoạt động để bảo vệ tuyến vận tải biển trị giá khoảng 1.000 tỷ USD hàng hóa và 12% thương mại toàn cầu. Không nghi ngờ gì các hãng tàu sẽ cần phải thấy những bằng chứng rõ ràng là lực lượng liên quân tại Biển Đỏ có thể thực sự đảm bảo an toàn cho các tàu bè, trước khi có thể nối lại các hoạt động bình thường tại nơi đây.

Điều người ta lo ngại hiện nay là trong vài ngày qua, đã có một số dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy nguy cơ leo thang căng thẳng, khi không chỉ có tàu liên quan đến Israel mới là mục tiêu, như tuyên bố của lực lượng Houthi.

Trang báo Live Mint cho biết, Ấn Độ nay cũng đã phải hứng chịu những tổn thương từ tình trạng căng thẳng trên biển Đỏ. Mới đây một tàu chở dầu thô treo cờ Ấn Độ đã bị máy bay không người lái tấn công ở phía Nam Biển Đỏ. Chỉ sau đó không lâu, một tàu mang cờ Liberia chở dầu thô đến Ấn Độ đã bị tấn công ngay bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ.

Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

VTV.vn - Những căng thẳng trên Biển Đỏ đã gây thiệt hại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước