Gánh nặng logistics kéo lùi xuất khẩu của Việt Nam

VTV Digital-Thứ hai, ngày 26/07/2021 10:24 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ giá cước vận tải biển tăng, mà tình trạng thiếu container cũng ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.

Câu chuyện cước vận tải biển tăng phi mã trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục được phân tích trên Báo Đầu Tư Chứng Khoán. Theo bài viết, gánh nặng logistics này đang kéo lùi xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù 6 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu đã tăng 29% so với cùng kỳ.

Tác giả nhận định đây vẫn là khó khăn cốt lõi của các doanh nghiệp xuất khẩu. Không chỉ giá cước tăng cao, mà tình trạng thiếu container cũng là bài toán không lời giải. Nhiều doanh nghiệp cho biết phải đặt thuê trước cả tháng, nhưng cũng không có nên đành ngậm ngùi hủy đơn hàng với đối tác.

Gánh nặng logistics kéo lùi xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 1.

Gánh nặng logistics đang kéo lùi xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trong khi đó, đội tàu biển của Việt Nam mới đáp ứng được 10% thị phần vận tải hàng từ Việt Nam ra thế giới, còn 90% phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn bị động trong việc thuê container.

Đáng chú ý, Hội đồng Vận tải Thế giới nhận định, chưa biết khi nào chi phí vận tải mới hạ nhiệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19.

Lãi vay giảm, cầu vốn vẫn khó tăng cao

Hơn 2 tuần sau khi 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể với mức phổ biến từ 0,5 - 2 điểm %. Tuy nhiên theo Báo Đầu Tư, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ khó tăng trong nửa cuối năm.

Lý do được nhiều doanh nghiệp đưa ra là khó khăn từ dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nguồn thu khiến họ khó trả nợ đúng hạn, thậm chí có doanh nghiệp không đủ chi phí trả lãi vay ngân hàng. Khi đó, ngân hàng có thể điều chỉnh khách hàng nhảy nhóm nợ từ nhóm 1 lên nhóm 2, 3 khiến tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sau này phải vay với lãi suất cao nên nhiều doanh nghiệp mong muốn được cơ cấu, giãn nợ hơn là giảm lãi.

Gánh nặng logistics kéo lùi xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 2.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ khó tăng trong nửa cuối năm. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Trong khi đó, theo 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng nhà nước đặt ra trước đó, bối cảnh hiện tại đang gần giống với kịch bản số 3 nhất, với dự báo tín dụng tăng 7 - 8% khi Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thứ tư.

Bùng nổ cuộc đua mở rộng khu công nghiệp

"Bùng nổ cuộc đua mở rộng khu công nghiệp" là tiêu đề đáng chú ý trên VnExpress, trước thực tế các khu công nghiệp mới liên tục được công bố khắp các tỉnh thành, đặc biệt nhiều dự án trọng điểm bắt đầu hoạt động.

Trong nửa đầu năm, nguồn cung đất công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ với hàng chục dự án được phê duyệt khắp các địa phương, nổi bật là Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 khu công nghiệp sắp triển khai, hay tại khu vực phía Nam là Long An với 4 cụm công nghiệp mới trong năm nay.

Theo đại diện Công ty Bất động sản Colliers Việt Nam, diễn biến này không chỉ giúp bất động sản công nghiệp tiếp tục sôi động mà các dịch vụ khác như nhà xưởng, kho bãi, đặc biệt với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ hậu cần, logistic cũng hứa hẹn tiềm năng lớn.

Cước vận tải biển tăng lịch sử, nhiều mặt chủ lực nguy cơ mất thị trường Cước vận tải biển tăng lịch sử, nhiều mặt chủ lực nguy cơ mất thị trường

VTV.vn - Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, thị trường vận tải biển trong nước đang chịu 3 đợt tăng giá cước từ cuối năm 2020 đến nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước