Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo về tình hình 9 tháng và dự kiến cả năm 2023, Chính phủ cho biết nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế với quý sau cao hơn quý trước (GDP quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ; quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động, 9 tháng tăng 6,32%; thu hút được 8,9 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu cả năm. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68%.
Mặt bằng lãi suất giảm tích cực, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022; thị trường ngoại hối và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được duy trì, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ…
"Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực", báo cáo của Chính phủ cho biết.
Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao. Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong các lĩnh vực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,24% so với cùng kỳ, thấp hơn kịch bản Chính phủ đề ra đầu năm; trong đó công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm 09 tháng tăng 1,65%.
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; đầu tư của khu vực ngoài nhà nước 9 tháng chỉ tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10%). Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; giá xăng dầu, lương thực... biến động mạnh là vấn đề cần lưu ý. Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ.
Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng đến 21/9 chỉ đạt 5,91% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 7 là 3,56%, cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra (đến cuối năm 2025 là dưới 3%).
Vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản.
Năm 2024, GDP dự kiến tăng 6-6,5%
Sang năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Năm 2024, Chính phủ tiếp tục đặt ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đáng chú ý: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...
Chính phủ dự kiến GDP 2024 tăng từ 6-6,5% (Ảnh minh hoạ)
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản để góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.
Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030. Phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn (như chíp, bán dẫn, hydrogen), hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!