Giá cà phê tăng cao kỷ lục

VTV Digital-Thứ năm, ngày 11/05/2023 11:38 GMT+7

VTV.vn - Giá và sản lượng xuất khẩu cà phê gần đây tăng do thiếu nguồn cung.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm đã đạt 1,7 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu cũng có xu hướng tăng, bình quân đạt hơn 2.250 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá và sản lượng xuất khẩu cà phê gần đây tăng do thiếu nguồn cung. Ở thị trường trong nước, giá cà phê Robusta đã lập kỷ lục 56.000 đồng/kg, vượt mức 50.000 đồng/kg được thiết lập vào thời kỳ đỉnh cao năm 2011.

Thời điểm hiện tại, giá cà phê trung bình khoảng 53.700 đồng/kg, vẫn ở mức cao. Dự báo các tháng tiếp theo, xuất khẩu cà phê của nước ta vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng trên thế giới không mấy được cải thiện.

Giá cà phê tăng cao kỷ lục - Ảnh 1.

Giá và sản lượng xuất khẩu cà phê gần đây tăng do thiếu nguồn cung. Ảnh minh họa.

Thay đổi canh tác thích ứng xuất khẩu

Cà phê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản xuất cà phê cũng phát thải lượng carbon lớn, bởi phương thức canh tác kém bền vững, lạm dụng vật tư đầu vào.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời nâng giá trị cà phê xuất khẩu, tại nhiều vùng trồng ở Tây Nguyên, nhiều phương thức canh tác mới đã được áp dụng để sản xuất bền vững hơn, mang lại giá trị cao hơn cho nông dân.

Những vườn cà phê trồng xen canh hồ tiêu và sầu riêng đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân Xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Những khu vườn đa tầng, đa giá trị, hạn chế tình trạng bốc thoát hơi nước, nhờ vậy cà phê phát triển xanh tốt mà không cần tốn nhiều công chăm sóc.

Cà phê cảnh quan là phương thức canh tác đã được triển khai từ năm 2018 ở Tây Nguyên, góp phần giảm 14% lượng phân bón, giảm 16% lượng nước tưới, giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Giá trị sản phẩm sau thu hoạch từ đó cũng tăng lên tới 20%.

Cà phê sau thu hoạch sẽ được phơi trong hệ thống nhà màng để tránh tối đa tác động của thời tiết, ẩm mốc. Chính vì vậy, mùa vụ của bà con nơi đây có thể kết thúc muộn hơn, quy trình sơ chế cầu kì tốn công sức hơn, nhưng nông dân luôn yên tâm về chất lượng cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Giá cà phê tăng cao kỷ lục - Ảnh 2.

Nhiều phương thức canh tác cà phê mới đã được áp dụng để sản xuất bền vững hơn, mang lại giá trị cao hơn cho nông dân. Ảnh minh họa.

Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu

Diện tích trồng cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 710.000 ha, trong đó có 50% là cà phê có tín chỉ, cho giá trị xuất khẩu cao.

Để tiếp tục giữ vững giá trị xuất khẩu cà phê, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong bối cảnh thị trường ngày một đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn.

"Để tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê, chúng ta phải tiếp tục cải thiện được hệ thống phơi sấy của các hộ nông dân và hệ thống chế biến của các doanh nghiệp để chuỗi sản xuất về giống, canh tác, sơ chế, bảo quản, chế biến... có các yếu tố kỹ thuật tốt nhất, nâng cao chất lượng cà phê thời gian tới", ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Bảo hiểm Chỉ số Thời tiết đến với nông dân trồng cà phê Bảo hiểm Chỉ số Thời tiết đến với nông dân trồng cà phê

VTV.vn - Sau nông dân trồng lúa, Bảo hiểm Chỉ số Thời tiết tiếp tục tới với cộng đồng nông dân trồng cà phê tại 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước