Nhiều nông dân trồng cà phê vẫn “mơ hồ” về chỉ dẫn địa lý

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 16/03/2023 13:47 GMT+7

VTV.vn - Hiện nhiều nông dân thuộc vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà vẫn chưa hiểu được giá trị của chứng nhận này.

Cần chỉ dẫn địa lý nâng cao giá trị cà phê

Đối với những sản phẩm nông nghiệp địa phương, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng. Nếu như cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang tận dụng chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu cà phê, tiếp cận thị trường xuất khẩu thì tại Đắk Hà, nhiều nông dân vẫn mơ hồ về chỉ dẫn địa lý, khiến cà phê chưa được định vị đúng giá trị.

Vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà nằm trên địa bàn 11 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 9.000 ha. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 3 năm được cấp chứng nhận, nhiều nông dân thuộc vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà vẫn chưa hiểu được giá trị của chứng nhận này.

Phóng viên: "Ông có hiểu chứng nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà là gì không?".

Ông Trần Ngọc Sầm - thôn 5, xã Hà Mòn, Đắk Hà, Kon Tum nói: "Cũng không hiểu lắm... Bán trôi nổi trên thị trường chưa được hưởng lợi gì".

Nhiều nông dân trồng cà phê vẫn “mơ hồ” về chỉ dẫn địa lý - Ảnh 1.

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng.

Tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 15 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước, lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào được sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê xuất khẩu.

"Thời gian qua, khai thác tiềm năng truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà chưa hiệu quả. Thực tế, xây dựng kế hoạch sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý chưa có đơn vị nào áp dụng", ông Nguyễn Tri Sáu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sáu Nhung, huyện Đăk Hà, Kon Tum cho biết.

Khó khăn hiện nay là khả năng vận hành của đơn vị, tổ chức được giao quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý còn yếu và thiếu về nguồn lực tài chính. Điều này dẫn đến tình trạng là bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà chưa được khai thác, phát huy hiệu quả.

Tăng năng lực cạnh tranh cho cà phê Việt

Năm 2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Việt Nam được phía Liên minh châu Âu bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý, trong đó có sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là cơ hội lớn cho cà phê mang thương hiệu Việt, tiếp cận và mở rộng thị phần xuất khẩu, với những thị trường có yêu cầu cao, khắt khe và nghiêm ngặt.

Sau quá trình nỗ lực xây dựng vùng trồng cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, khẳng định được chất lượng hương vị đặc trưng thuần khiết, lôi cuốn người thưởng thức, nên cuối năm 2022, sản phẩm cà phê Gia Lai đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là tiền đề quan trọng giúp các chuỗi liên kết sản xuất cà phê phát triển thương hiệu, gia tăng tiêu thụ.

Nhiều nông dân trồng cà phê vẫn “mơ hồ” về chỉ dẫn địa lý - Ảnh 2.

Gắn nhãn địa lý được xem như giấy thông hành, để nông sản đặc sản vùng miền của Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu bền vững.

Gia Lai có diện tích cà phê khoảng 98.000 ha, đứng thứ 3 cả nước. Hiện nay các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đang phối hợp xây dựng thiết lập một cơ chế quản lý, sử dụng, để phát huy được giá trị to lớn mà chỉ dẫn địa lý mang lại cho người trồng cà phê. Trong đó, gắn lợi ích đi đôi với trách nhiệm gìn giữ, quảng bá danh tiếng, chất lượng của cà phê Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tận dụng lợi thế, phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý cà phê, tăng khả năng cạnh tranh thương mại, từ đó nâng tầm thương hiệu nông sản quốc gia trên thị trường quốc tế.

Gắn nhãn địa lý được xem như giấy thông hành, để nông sản đặc sản vùng miền của Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu bền vững.

Các sản phẩm kiểm soát nguồn gốc chất lượng như cam Vinh, mật ong Mèo Vạc, nước mắm Phú Quốc thường tăng giá từ 30-50% sau khi có chỉ dẫn địa lý. Đây là công cụ hữu hiệu, để bảo hộ các đặc sản, nông sản chủ lực của nước ta, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gỡ nút thắt trong phát triển cà phê đặc sản Gỡ nút thắt trong phát triển cà phê đặc sản

VTV.vn - Hiện việc sản xuất cà phê đặc sản đang có lỗ hổng rất lớn về chế biến sau thu hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước