Giá dầu bật tăng do xung đột ở Trung Đông

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 09/10/2023 13:49 GMT+7

Liên minh OPEC+ đang hạn chế sản lượng dầu, nên lượng dầu tồn kho có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: iStock)

VTV.vn - Giá dầu tăng hơn 3 USD trong phiên giao dịch sáng 9/10 tại thị trường châu Á, do cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine bùng lên vào cuối tuần qua.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng gần 4%, lên 87,92 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ tăng hơn 4% lên 86,23 USD/thùng.

Một số chuyên gia nhận định ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ chỉ ở mức hạn chế nếu xung đột không leo thang và lan rộng hơn.

Mặc dù cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu lửa, nhưng cuộc xung đột này xảy ra tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu quan trọng của thế giới.

Israel có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), nước này gần như không sản xuất dầu thô hay khí ngưng tụ. Lãnh thổ Palestine cũng không sản xuất dầu.

Theo ông Iman Nasseri, Giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy, ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ hạn chế trừ phi xung đột nhanh chóng lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực.

Trên Twitter, nhà quản lý quỹ phòng hộ người Pháp Pierre Andurand nhận định, nơi xảy ra xung đột không phải là một vùng sản xuất dầu lớn, nên sẽ không có ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Andurand cho rằng tồn kho dầu toàn cầu đang ở mức thấp và liên minh OPEC+ đang hạn chế sản lượng dầu, nên lượng dầu tồn kho có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới.

"Thị trường có thể sẽ đến lúc kêu gọi Saudi Arabia bơm nhiều dầu hơn, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu giá dầu Brent còn ở dưới mốc 110 USD/thùng", ông Andurand cho hay.

Trong khi một số chuyên gia khác bày tỏ mối lo về Iran - một nước sản xuất dầu lớn. Xuất khẩu dầu của nước này đã bị hạn chế kể từ khi nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Trong 1 năm trở lại đây, Mỹ và Iran nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân và xuất khẩu dầu của nước này cũng tăng trở lại.

Một báo cáo của Citi cho biết, với sự khuyến khích của Mỹ và các cuộc đàm phán hạt nhân bí mật, sản lượng khai thác dầu và xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng thêm khoảng 600.000 thùng/ngày lên mức 3,2 triệu thùng/ngày trong thời gian từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023.

Do đó, nếu xung đột lan rộng ra khu vực và có sự dính líu của Iran, nguồn cung dầu từ Trung Đông có thể bị ảnh hưởng.

Cú trượt dài của giá dầu mỏ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu Cú trượt dài của giá dầu mỏ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

VTV.vn - Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, sức ép lạm phát và giá nhiên liệu tăng là những rủi ro của kinh tế toàn cầu hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước