Ảnh minh họa.
Trong phiên giao dịch 29/5, giá dầu thế giới giảm khoảng 1% do lo ngại nhu cầu xăng của Mỹ yếu đi và số liệu kinh tế có thể khiến Fed duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Lãi suất cao là chính sách được áp dụng để giải quyết tình trạng lạm phát kéo dài, song chính sách này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ "vàng đen".
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 62 xu (0,7%) xuống 83,60 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WIT) giảm 60 xu (0,8%) xuống 79,23 USD/thùng.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ cải thiện trong tháng Năm sau khi giảm ba tháng liên tiếp nhờ tâm lý lạc quan về thị trường lao động. Song, mối lo ngại về lạm phát vẫn dai dẳng và nhiều hộ gia đình dự kiến lãi suất sẽ cao hơn trong năm tới.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates cho rằng dự báo về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed tiếp tục bị đẩy lùi xa hơn trong năm nay.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates lưu ý nhu cầu xăng vẫn yếu một cách đáng ngạc nhiên. Hiện các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo về Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - sẽ công bố ngày 31/5 theo giờ Mỹ để có thêm thông tin về thời điểm và quy mô của bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng nào trong năm nay.
Những dự báo về thời điểm cắt giảm lãi suất đã thay đổi, khi các nhà hoạch định chính sách cảnh giác với tình trạng lạm phát dai dẳng.
Về phía nguồn cung, các nhà giao dịch và nhà phân tích dự báo Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!