Giá dầu thế giới giảm năm thứ hai liên tiếp

P.V (t/h)-Thứ tư, ngày 01/01/2025 21:48 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Giá dầu thế giới mặc dù tăng trong phiên 31/12/2024 nhưng đã giảm khoảng 3% trong cả năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp.

Giá dầu thế giới giảm do một loạt yếu tố bất lợi, bao gồm: Đà phục hồi của nhu cầu năng lượng bị chững lại, kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, Mỹ cùng các nhà sản xuất ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu thô vào thị trường toàn cầu vốn đã dư dôi nguồn cung.

Phiên 31/12/2024, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 65 xu (tương đương 0,88%) lên 74,64 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 73 xu (1,03%) lên 71,72 USD/thùng.

Tuy nhiên, so với mức đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2023, giá dầu Brent đã giảm khoảng 3%, trong khi giá dầu WTI gần như không đổi.

Một cuộc thăm dò hàng tháng của hãng tin Reuters cho thấy giá dầu có thể sẽ dao động quanh mức 70 USD/thùng vào năm 2025 do nhu cầu yếu của Trung Quốc và nguồn cung toàn cầu tăng, bất chấp những nỗ lực của OPEC+ (gồm các thành viên OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối) nhằm hỗ trợ thị trường.

Triển vọng nhu cầu yếu hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã buộc cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phải cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2025.

IEA dự báo, thị trường dầu mỏ sẽ bước vào năm 2025 với tình trạng thặng dư, kể cả khi OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 4/2025 trong bối cảnh giá dầu giảm.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 259.000 thùng/ngày, lên mức cao kỷ lục 13,46 triệu thùng/ngày hồi tháng 10/2024, khi nhu cầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19.

EIA cho biết, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục mới là 13,52 triệu thùng/ngày trong năm 2025.

Năm 2025, các nhà đầu tư sẽ theo dõi triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm sau, khi các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tháng 12/2024 dự báo lộ trình cắt giảm lãi suất sẽ chậm lại do lạm phát vẫn ở mức cao. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Một số nhà phân tích vẫn tin rằng, nguồn cung có thể thắt chặt vào năm tới tùy thuộc vào chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bao gồm cả chính sách trừng phạt. Ông đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và có thể áp dụng lại cái gọi là "chính sách gây áp lực tối đa" đối với Iran, điều này có thể tác động lớn đến thị trường dầu mỏ.

Giá dầu phục hồi trở lại sau lao dốc Giá dầu phục hồi trở lại sau lao dốc

VTV.vn - Sau khi trải qua đà lao dốc ở tuần trước đó, giá dầu thế giới đã có bước phục hồi tích cực trong tuần giao dịch vừa rồi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước