Giá dầu tiếp tục leo thang

VTV Digital-Thứ tư, ngày 02/03/2022 08:47 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu tăng phi mã, đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm qua, do những lo ngại xung đột tại Ukraine leo thang ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI có thời điểm đã tăng tới 11,5% lên 106,78 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 6/2014, trước khi giảm nhẹ và đóng cửa với mức tăng trên 8%.

Giá dầu Brent Biển Bắc có thời điểm đã đạt 107,57 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 7/2014, trước khi chốt phiên với mức tăng 7,15%.

Giá dầu tiếp tục leo thang - Ảnh 1.

Giá dầu tăng lên hơn 100 USD/thùng do căng thẳng Nga - Ukraine. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Xung đột leo thang tại Ukraine đã làm gia tăng tâm lý lo ngại của giới đầu tư, ngay cả khi các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đồng ý xả 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, để giúp ổn định nguồn cung.

Theo các chuyên gia, động thái này không mang nhiều ý nghĩa, bởi mức 60 triệu thùng dầu chỉ tương đương sản lượng khai thác của Nga trong 6 ngày và khó có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung nếu xung đột tiếp tục leo thang. Con số 60 triệu thùng dầu, tương đương với mức tiêu thụ dầu chưa đầy một ngày trên toàn thế giới.

Trong phiên giao dịch ngày 1/3, giá dầu lúc tăng cao, lúc giảm nhẹ. Tuy nhiên, giá dầu WTI đã nhanh chóng "tăng tốc" khi Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm hơn 6 triệu thùng trong tuần gần đây nhất.

"Dầu đang leo lên bức tường lo lắng về chiến tranh Ukraine", John Kilduff, đối tác của Again Capital ở New York, cho biết: "Các nhà giao dịch đã thất vọng về quy mô của việc giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược".

Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, AP Moeller-Maersk A/S (MAERSKb.CO), đã ngừng vận chuyển container đến và đi từ Nga, trong khi Anh đã cấm tất cả các tàu có bất kỳ kết nối nào của Nga vào các cảng của mình.

Ngoài ra, các công ty dầu khí lớn, bao gồm BP và Shell PLC, đã công bố kế hoạch rút khỏi các hoạt động và liên doanh của Nga. TotalEnergies SA (TTEF.PA) cho biết họ sẽ không đầu tư thêm vốn vào các hoạt động của mình ở Nga.

Trước lo ngại gián đoạn nguồn cung ngày một lớn, bởi chiến sự ở Đông Âu giữa Nga và Ukraine, nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ sớm chạm mốc 110 USD/thùng.

Hôm nay (2/3), OPEC+ sẽ nhóm họp để quyết định có tiếp tục chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 4 hay không. Trước tình hình giá dầu tăng lên mức 3 con số, OPEC+ có thể vẫn sẽ duy trì chính sách này thay vì "bơm" thêm dầu.

Giá xăng dầu trong nước

Tại thị trường trong nước, sau kỳ điều chỉnh của Liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 1/3, giá xăng dầu đồng loạt tăng.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 540 đồng/lít, từ mức 25.531 đồng/lít lên mức 26.071 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 550 đồng/lít, từ mức 26.282 đồng/lít lên mức 26.832 đồng/lít.

Dầu diesel tăng thêm 510 đồng/lít, từ mức 20.800 đồng/lít lên 21.310 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 19.509 tăng thêm 470 đồng/lít, lên mức 19.979 đồng/lít; dầu mazut hiện có giá 17.930 đồng/kg tăng thêm 530 đồng/kg lên giá 18.460 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ 6 liên tiếp và cũng là lần tăng thứ 5 liên tiếp trong năm nay.

OPEC+ khó kiểm soát biến động giá dầu OPEC+ khó kiểm soát biến động giá dầu

VTV.vn - Theo các chuyên gia, OPEC+ khó có thể kiểm soát biến động của giá dầu trong phiên họp hàng tháng diễn ra vào ngày mai (2/3).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước