Báo cáo của Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá việc giá điện tăng 5% sẽ trực tiếp làm CPI tăng 0,15%, và một nửa trong số này sẽ được phản ánh trong CPI tháng 8 và phần còn lại sẽ được phản ánh trong CPI tháng 9. Ngoài ra, tác động gián tiếp của việc tăng giá điện có thể làm CPI tăng khoảng 0,2-0,3% trong thời gian từ tháng 8, tháng 9.
Tác động mạnh nhất lên CPI tháng 8 tới đây có thể là việc Hà Nội điều chỉnh tăng mạnh giá của hơn 712 dịch vụ y tế từ ngày 1-8. Số liệu lịch sử cho thấy tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lên CPI thường khá lớn.
Vì vậy, nhiều khả năng điều tương tự sẽ diễn ra trong đợt điều chỉnh giá nhóm hàng y tế lần này. Maybank Kim Eng dự đoán, chỉ số CPI tháng 8 có thể sẽ tăng mạnh khoảng 1% so với tháng 7, cao hơn mức dự báo 0,6-0,7% mà Tổ điều hành thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương dự báo.
Ngoài ra, theo chuyên gia của Maybank Kim Eng, CPI tháng 9 nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Tác động gián tiếp của việc tăng giá xăng vào giữa tháng 7 vừa qua và tác động gián tiếp của việc tăng giá dịch vụ y tế tại Hà Nội vào đầu tháng 8 tới đây vẫn sẽ còn tác động vào chỉ số CPI tháng 9 (mặc dù ở mức độ yếu hơn). Hơn nữa, điều quan trọng trong tháng 9 là việc TP. HCM dự kiến sẽ tăng học phí năm học 2012-2014 lên khoảng 3-4 lần so với năm học trước. Tháng 9 còn là thời điểm khai giảng năm học mới nên mặt bằng giá cả thường tăng cao hơn so với tháng 7 và tháng 8.
Do đó, Maybank Kim Eng dự đoán CPI tháng 9 có thể tăng khoảng 1-1,5% so với tháng 8.
Mặc dù vậy, khả năng CPI tăng mạnh trong năm nay sẽ khó xảy ra do lực cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu. Vì vậy, Maybank Kim Eng cho rằng chỉ số CPI có thể dao động xung quanh mức 8% trong năm nay.