Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ, trong khi giá các loại gạo tăng.
Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.354 đồng/kg, giảm 64 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất là 7.950 đồng/kg, trung bình là 6.975 đồng/kg, giảm 375 đồng/kg.
Trong khi đó, giá các mặt hàng gạo lại có sự tăng nhẹ. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.500 đồng/kg, giá bình quân 10.307 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 10.083 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.100 đồng/kg, giá bình quân 9.892 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 lại giảm 125 đồng/kg, có giá trung bình là 10.400 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa cũng vẫn giữ ổn định như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST24 là 8.000 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa cũng không có sự biến động như Jasmine là 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.400 đồng/kg. Riêng IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Giá lúa tại Hậu Giang vẫn như tuần trước như: IR 50404 là 6.400 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg, lúa OM 18 vẫn giữ 7.100 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang như IR 50404 là 6.800 đồng/kg; Jasmine là 7.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OC ở mức 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ Thu Đông, Mùa ở các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch được 408.871 ha, chiếm 47,7 % diện tích gieo cấy.
Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, các địa phương đã gieo cấy được 337.518 ha. Các địa phương đang triển khai gieo cấy vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ. Nhiều địa phương đã đưa ra cơ cấu giống lúa có năng suất và chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các các tỉnh Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sinh vật gây hại trên lúa vụ Thu Đông, Mùa 2022. Nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm những diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa. Khi phát hiện diện tích lúa nhiễm bệnh, người dân cần thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Cùng với đà tăng của giá gạo trong nước, giá gạo xuất khẩu trong tuần qua cũng điều chỉnh tăng mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 438 USD/tấn, so với mức 425 - 430 USD/tấn trong tuần trước, đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn. Với mức giá này, hiện giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì đà dẫn đầu thế giới.
Các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung giảm, còn nhu cầu gạo gia tăng sẽ hỗ trợ giá vào cuối năm.
"Giá gạo tăng trong tuần này do nguồn cung từ Đồng bằng sông Cửu Long bị thắt chặt và với mức giá hiện tại, giá gạo Việt Nam hiện cao hơn so với các nước xuất khẩu cùng ngành khác", một thương nhân tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho hay.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhu cầu đối với gạo Việt Nam cao hơn dự đoán trước đây. Xuất khẩu gạo dự báo năm nay sẽ vượt mục tiêu 6,3 - 6,5 triệu tấn.
Theo một số thương nhân, giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn cho đến cuối tháng 12/2022 do dự trữ giảm và nhu cầu từ Trung Quốc, các nước châu Âu tăng. Hiện nhu cầu từ các khách hàng châu Âu nhiều hơn, đặc biệt là đối với gạo thơm và các thị trường trọng điểm như Philippines (mua của Việt Nam đến 10/11 đạt 2,77 triệu tấn) và Trung Quốc, nhưng nguồn cung trong nước đang cạn.
Giá gạo Việt xuất khẩu vượt Thái Lan, Ấn Độ VTV.vn - Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức từ 425 - 430 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2021 đến nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!