Đây có thể được coi là tin vui với người tiêu dùng tại nhiều nước trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang cận kề, tuy nhiên lại là thách thức lớn đối với ngành sản xuất và nỗ lực tăng lạm phát của nhiều quốc gia.
Giá năng lượng thấp và việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ qua đã khiến giá sản xuất tại nước này sụt giảm kể từ tháng 7. Tuy nhiên, những khoản tiết kiệm chi phí này không mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty khi nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu, còn công suất lại dư thừa, buộc các nhà sản xuất phải hạ giá bán.
Giá cả hạ, nhưng lãi vay ngân hàng không giảm khiến lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc gặp khó trong việc trang trải chi phí hoạt động. Làn sóng vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hiện đã tăng nhanh gấp đôi so với năm 2018, khiến Bắc Kinh ngày càng lo ngại về sức khỏe ngành ngân hàng.
Vòng xoáy giảm giá thậm chí có thể lan rộng khắp thế giới khi chiến tranh thương mại buộc Trung Quốc đẩy hàng hóa dư thừa sang các nước thứ ba. Điều này sẽ gây áp lực lên ngành sản xuất tại các nước, khiến các doanh nghiệp địa phương cũng phải giảm giá sản phẩm để bảo vệ lợi nhuận.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc chỉ số giá sản xuất Trung Quốc đi xuống sẽ tác động xấu đến lạm phát tại Mỹ và châu Âu, giống như những gì từng xảy ra trong giai đoạn 2014 - 2016. Nỗ lực tăng lạm phát của ngân hàng trung ương Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ - các quốc gia đang có chỉ số giá sản xuất ở mức âm, cũng sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!