Gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 26/05/2024 15:27 GMT+7

VTV.vn - Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc là một trong các điểm nổi bật xuyên suốt mối quan hệ vốn nhiều thăng trầm của cặp quan hệ quan trọng bậc nhất thế giới.

Gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước những thử thách mới. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục rơi vào vòng xoáy tăng thuế và trả đũa lẫn nhau, gây ra lo ngại về những tác động không mong muốn đối với cả hai phía, cũng như đối với thương mại toàn cầu đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19, cũng như do các cuộc xung đột ở các khu vực.

Từ ngày 1/8, Mỹ sẽ tăng thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ có các biện pháp kiên quyết và đang có kế hoạch tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Theo thông báo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, từ ngày 1/8, nước này sẽ tăng thuế suất nhập khẩu mạnh tay đối với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong đó pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế. Việc tăng thuế mới sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ USD từ Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế suất nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.

Mỹ cũng giữ nguyên các mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc được đưa ra năm 2018 dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đổ tiền vào các công ty trong các ngành như bán dẫn, xe điện, pin mặt trời. Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều cho các sản phẩm này, dẫn tới việc sản xuất nhiều hơn khả năng hấp thụ, tạo ra lượng sản phẩm dư thừa với giá thành thấp. Tuy nhiên, tôi muốn cạnh tranh công bằng với Trung Quốc chứ không phải xung đột".

Phản ứng lại quyết định trên, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ có các biện pháp đáp trả. Mới nhất, Trung Quốc cho biết có thể xem xét tăng thuế suất nhập khẩu tạm thời đối với ô tô nhập khẩu trang bị động cơ phân khối lớn từ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chia sẻ: "Mỹ tiếp tục chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, tăng thêm thuế quan đối với Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ các quy định của WTO và hủy bỏ ngay việc tăng thuế đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".

Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết sẽ cấm một số công ty Mỹ thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc, bao gồm cả việc bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) và cấm đầu tư mới vào Trung Quốc.

Phản ứng của "người trong cuộc"

Dù phản đối khá gay gắt qua kênh ngoại giao, song đến nay những phản ứng của Trung Quốc trước quyết định áp thuế bổ sung của Mỹ tương đối kiềm chế. Trong đó, đáng kể nhất là việc Trung Quốc xem xét tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu có dung tích xi-lanh lớn, dự kiến tác động đến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và EU. Tuy nhiên, thuế suất tạm thời nếu được đưa ra dự kiến cũng sẽ không vượt quá mức quy định 25% của WTO.

Giới quan sát Trung Quốc đánh giá, động thái tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích đối nội và chỉ có tác động hạn chế với các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi ngoài pin lithium, Mỹ hiện không phải là thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng năng lượng mới của Trung Quốc. Đơn cử như xe điện, năm 2023, Trung Quốc chỉ xuất khẩu sang Mỹ hơn 10.000 chiếc, còn quý I năm nay là chưa đến 2.000 chiếc.

Trang mạng Người quan sát trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các bước đi tiếp theo của Mỹ, hay nói như lời Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc là "áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".

Tuy nhiên, các ý kiến đều nhận định Trung Quốc sẽ phản ứng kiềm chế và tránh chủ động leo thang căng thẳng để hạn chế tác động tiêu cực đối với quá trình phục hồi kinh tế của nước này trong thời gian tới.

Từ phía Chính phủ Mỹ, Nhà trắng cho biết, việc đánh mạnh thuế vào hàng nhập khẩu Trung Quốc để ngăn chặn hàng hoá giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ. Thậm chí còn kêu gọi nhóm các nước G7 cùng Mỹ, thống nhất chiến lược để đối phó với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá, đợt leo thang thuế quan mới nhất có nguy cơ làm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại. Việc áp thuế này cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ khi họ sẽ phải trả các chi phí cao hơn do căng thằng thương mại Mỹ - Trung gây ra.

Gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 1.

Quan hệ Mỹ - Trung bất ổn chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy với cả thế giới

Nhìn lại trước đây, các biện pháp thuế quan của Mỹ với Trung Quốc từ năm 2018, ước tính gây thiệt hại cho các hộ gia đình Mỹ 419 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được giới chuyên gia dự báo sẽ khó hạ nhiệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn quan trọng.

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) nhận định: "Trước hết, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cần nhìn trong một bối cảnh được duy trì nhất quán và liên tục từ năm 2017 đến nay. Lý giải vì sao chính quyền mới của Mỹ đã không thay đổi áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa cũ mà còn áp thêm các thuế suất mới cũng như các biện pháp hạn chế bổ sung về thương mại rất ngặt nghèo đối với các ngành liên quan đến công nghệ cao. Thứ hai, mặc dù vậy, cũng có thay đổi về mục tiêu thương mại rất rõ ràng của Mỹ với Trung Quốc thông qua những chính sách thương mại mà cả hai chính quyền đã làm trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Đó là Mỹ đã thay đổi từ cách tiếp cận là cố gắng thay đổi hành vi của Trung Quốc thông qua đàm phán, sử dụng các biện pháp phòng vệ sang mục tiêu quan trọng hơn là giảm sự hội nhập song phương giữa hai nền kinh tế này với nhau.

Và đặc điểm thứ ba có thể nhận thấy thông qua căng thẳng thương mại này là chính quyền mới của Mỹ đã lấp các khoảng trống về thuế mà Chính phủ tiền nhiệm để lại, đó là đánh thuế không chỉ vào khu vực thông dụng lao động hoặc sử dụng nhiều các sản phẩm phụ trợ mà đánh thuế rất mạnh vào khu vực phân khúc hàng hóa có mức thông dụng về công nghệ và sử dụng trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ đến từ bên ngoài.

Những căng thẳng thương mại xuất hiện vào thời điểm này có thể liên quan mật thiết đến quá trình bầu cử sắp tới ở Mỹ. Năm nay là năm rất quan trọng đối với hai Đảng. Trong vận động tranh cử, chúng ta đều nhận thấy, ứng cử viên của cả hai Đảng đều coi Trung Quốc như là một yếu tố để tranh thủ phiếu bầu từ các cử tri trong nước, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tạo việc làm mới cũng như đưa hoạt động sản xuất quay trở lại trong nước. Tuy nhiên, cũng có thể bắt nguồn từ nguyên do khác, đó là ra những tín hiệu rất mạnh mẽ và rõ ràng cho các đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu hay G7 trong việc cùng liên kết với Mỹ để thực hiện chính sách hướng đến Trung Quốc. Vào tháng 6 năm nay, Hội nghị quan trọng của G7 sẽ họp tại Italia và trong cuộc họp này, có khả năng Mỹ sẽ hối thúc các nước đồng minh công nhận và đưa ra các tiêu chí cho khái niệm là đối tác tin cậy cho chuỗi cung ứng để có thể xây dựng một liên minh mới trong mặt trận thương mại và đầu tư toàn cầu".

Nhìn lại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc là một trong các điểm nổi bật xuyên suốt mối quan hệ vốn nhiều thăng trầm của cặp quan hệ quan trọng bậc nhất thế giới trong 5-6 năm trở lại đây. Thậm chí, vào năm 2018, căng thẳng thương mại giữa hai nước còn được đẩy cao tới mức hình thành một cuộc chiến thương mại với nhiều biện pháp trả đũa lẫn nhau, gây ra nhiều tác động đối với kinh tế thế giới.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung Quốc nổ ra vào tháng 7/2018, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump tuyên bố tăng các mức thuế suất nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, giá trị khoảng 50 tỷ USD.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng, tạo ra một sân chơi không bình đẳng thông qua trợ cấp nhà nước đối với các công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh tin rằng Washington đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc kinh tế.

Tiếp đó là 18 tháng leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với hàng loạt biện pháp ăn miếng trả miếng, là những quy định về thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng bởi cả Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã áp thuế nhập khẩu bao trùm gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Căng thẳng thương mại đã vượt qua biên giới hai nước, tác động mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu.

Bước ngoặt của cuộc xung đột kéo dài là việc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh vào tháng 1/2020. Theo thỏa thuận, Mỹ không áp thêm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa có giá trị 160 tỷ USD của Trung Quốc, còn Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ với trị giá 200 tỷ USD trong hai năm sau đó. Tuy nhiên, những cam kết này đã không được thực hiện trọn vẹn do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp bước người tiền nhiệm Donald Trump trong cách tiếp cận vấn đề cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Cạnh tranh về công nghệ là mũi nhọn được cả hai cường quốc nhắm đến nhằm giành lợi thế quyết định trong cuộc cạnh tranh chiến lược. Tổng thống Biden đưa ra những biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số công nghệ chưa từng có nhằm hạn chế sự phát triển các công nghệ tiên tiến của Bắc Kinh, điển hình là Đạo luật Chip và Khoa học được ký ban hành tháng 8/2022.

Căng thẳng về vấn đề này tiếp tục được đẩy lên cao vào năm 2023 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp, cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc, trong đó có chất bán dẫn, vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc cho rằng các động thái của Mỹ có thể phản tác dụng, gây ra các hệ lụy tiêu cực cho quan hệ hai nước.

Tháng 5/2024, Tổng thống Joe Biden đã công bố đánh thuế nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, làm dấy lên khả năng tái diễn xung đột thương mại với Bắc Kinh; còn Trung Quốc ngay lập tức cũng cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Một số nhà kinh tế cho rằng trong ngắn hạn, đợt tăng thuế nhập khẩu mới nhất của phía Mỹ có thể có tác động hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Tuy nhiên, xét ở phương diện rộng có thể dẫn tới những hệ lụy phức tạp hơn. Đợt tăng thuế mới này có thể báo hiệu trước một "mùa đông lạnh kéo dài" về xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, nếu so sánh chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc trong hai giai đoạn, có thể nhận thấy có một số điểm khác biệt. Chẳng hạn như chính sách của Tổng thống Joe Biden là các biện pháp thương mại, khí hậu nhắm đến các nhóm về năng lượng mới cũng như các nhóm sử dụng công nghệ cao. Trong khi mục tiêu của chính quyền Tổng thống trước là tập trung đưa việc làm quay trở lại nước Mỹ và tập trung vào các nhóm thông dụng lao động, cũng như sử dụng nhiều vốn. Tuy nhiên, nếu so sánh nhìn chung, chính sách của Tổng thống Joe Biden đang có mức căng thẳng tăng hơn nữa so với thời kỳ trước đây, thể hiện ở 5 điểm.

Trước hết là đòn bẩy chính sách mà chính quyền hiện nay sử dụng là nhiều hơn trước. Các hạn chế về thương mại cũng có mức độ mở rộng và mức độ ngặt nghèo lớn hơn thời kỳ trước, đặc biệt là những biện pháp về hạn chế, thậm chí là cấm bán công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc. Thứ ba là mức độ áp thuế rất cao, trước đây mức thuế trung bình của giai đoạn thương chiến khoảng 21% thì hiện nay, đối với rất nhiều hàng hóa từ 0 – 7% hiện nay có thể áp thuế 25%. Trong đó, một số mặt hàng như bán dẫn, pin mặt trời có thể lên mức thuế 50% và đặc biệt, thuế xe điện đã lên tới 100%. Thứ tư, các chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc cũng được triển khai rộng rãi hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Điểm cuối cùng là Mỹ đã tập hợp đồng minh của mình nhiều hơn nữa trong việc có chính sách đồng thuận đối với Trung Quốc.

Điều này có liên quan đến bầu cử nhưng phải đặt trong khuôn khổ rộng hơn là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành xu thế. Rõ ràng có nguồn gốc lo ngại về kinh tế khác khiến cho các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tương đối nhất quán từ nay trở về sau khi họ nhìn Trung Quốc ở ba rủi ro về an ninh kinh tế đối với Mỹ. Đầu tiên, họ nhận thấy việc Trung Quốc chiếm vị trí rất quan trọng trong sản xuất công nghiệp toàn cầu khi chiếm 17% tổng xuất khẩu toàn cầu hiện nay. Thứ hai, các chính sách của Mỹ thường xuyên cho rằng Trung Quốc sử dụng quy tắc của thương mại toàn cầu, thương mại quốc tế theo cách làm chậm hoặc cản trở sự phục hồi của các nền kinh tế đối tác. Thứ ba, họ cho rằng Trung Quốc có thể là nguồn gốc của những sự bất ổn của kinh tế toàn cầu khi hoạt động sản xuất hoặc chuỗi cung ứng quá tập trung ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng sử dụng chính sách thương mại như một công cụ quản lý kinh tế mới của mình. Những lo lắng ấy cũng tạo ra định hình về chính sách thương mại kinh tế dài hạn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Là cặp quan hệ chi phối các chuyển động toàn cầu, quan hệ Mỹ - Trung bất ổn chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy với cả thế giới. Chính vì vậy, những căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc được giới chuyên gia nhận định có thể tạo ra những tác động nhiều mặt tới kinh tế hai nước, khu vực cũng như toàn cầu.

Hệ lụy từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Để mô tả về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện tại, trang The Conservation cảnh báo, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ. Trung Quốc ngay lập tức phản đối việc tăng thuế và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa "kiên quyết".

Về quy mô toàn cầu, Viện doanh nghiệp Mỹ nhận định, một cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung mới sẽ khiến tất cả mọi người phải trả giá. Bài báo cho rằng, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều không tốt cho triển vọng kinh tế thế giới và đặc biệt là tin xấu đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chi phí nhập khẩu cao hơn cũng có thể là một nhân tố làm tăng áp lực lạm phát đối với nhiều nước.

The Asset cho rằng, mức thuế cao mà Mỹ áp với Trung Quốc đẩy hai nước vào thế chiến tranh kinh tế quy mô lớn với hậu quả địa chính trị nghiêm trọng. Bloomberg phân tích, cách thức mà ba nền kinh tế hàng đầu thế giới - Mỹ, Trung Quốc và EU - đang đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại, dẫn đến sự tan rã của trật tự thương mại tự do toàn cầu trước đây. Cuộc chiến thương mại mới có thể làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong hệ thống thương mại toàn cầu.

TS. Phạm Sỹ Thành đưa ra ý kiến: "Khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, giới quan sát và nghiên cứu có hai câu hỏi rất quan trọng để đánh giá về tác động với kinh tế thương mại toàn cầu. Câu hỏi thứ nhất là liệu căng thẳng thương mại này có làm thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu hay không? Thứ hai là có tạo ra dòng chảy về chuỗi cung ứng toàn cầu hay không? Ít nhất đến thời điểm hiện nay, câu trả lời cho cả hai câu hỏi là có và nó sẽ tạo ra tác động thuận lợi cũng như các thách thức khác nhau lên từng khu vực. Ở khía cạnh thuận lợi, cơ hội có thể nhìn thấy đầu tiên là những thay đổi về dòng chảy thương mại sẽ tạo cơ hội cho một số nước khác khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm xuống do tác động của lệnh thuế. Với mức thuế rất cao như hiện nay, tổng nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc giảm từ gần 22% trước thương chiến xuống còn khoảng 14% như hiện nay. Để bù đắp mức chênh lệch sụt giảm khoảng 8 điểm phần trăm đó, Mỹ sẽ phải nhập khẩu từ các nơi khác. Có bằng chứng cho thấy Mỹ đã nhập khẩu từ các nước có chi phí lao động thấp như Việt Nam…

Ở cả 4 cấp độ hàng hóa phân loại theo Trung Quốc đều sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó mạnh nhất là các mặt hàng thông dụng về lao động giảm tới 18 điểm phần trăm, những hàng thông dụng về vốn và công nghệ giảm 13 điểm phần trăm. Đó là cơ hội để các nước khác tăng cường xuất khẩu sang Mỹ để thay thế luồng suy giảm này. Thứ hai, cơ hội về đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi làn sóng tìm cách để chuỗi cung ứng dẻo dai và bền vững hơn đã trở thành yêu cầu mới từ kênh sản xuất khi họ nhận thấy rằng căng thẳng không chỉ đến từ chính sách của Mỹ mà những thay đổi chính sách từ Trung Quốc cũng có tác động rất lớn đến hoạt động quyết định đầu tư của họ tại quốc gia này. Và rất nhiều quốc gia trong khu vực đang được hưởng lợi từ làn sóng đó. Thứ ba là cơ hội nâng cấp nền sản xuất trong nước, nâng cấp ngành, đặc biệt khi chuỗi dịch chuyển liên quan đến các ngành công nghệ cao. Các trường hợp hưởng lợi như Ấn Độ, Malaysia liên quan đến bán dẫn là điển hình rất rõ.

Ở chiều ngược lại, căng thẳng thương mại cũng tạo ra những thách thức cho các nền kinh tế xung quanh. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng không diễn ra ngay lập tức và không diễn ra hoàn toàn khi Trung Quốc vẫn là điểm đến rất quan trọng của hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu. Thứ hai, những thay đổi về chính sách từ các siêu cường kinh tế lớn, các trụ cột lớn cho thấy xu hướng đáng lo ngại là an ninh hóa mọi hoạt động kinh tế và hoạt động công nghệ. Thứ ba, sự gia tăng của chiến lược bảo hộ diễn ra trên phạm vi toàn cầu không chỉ ở Trung Quốc hay Mỹ. Và đó là một thách thức rất lớn đối với các nền kinh tế hướng ra xuất khẩu hoặc được lợi rất lớn từ một hệ thống thương mại tự do trước đây.

Trước hết cần quan tâm đến chính quyền của Mỹ, những thay đổi trong bầu cử sắp tới. Rõ ràng, với khả năng chiến tranh thương mại có thể căng thẳng tiếp tục tăng cao, một trong những ưu tiên có thể tính tới, giảm thâm hụt thương mại với Mỹ để tạo ra những không gian về chính sách quan trọng hơn cho các quốc gia. Bằng cách tăng cường nhập khẩu dịch vụ cũng như hàng công nghệ cao hoặc hàng năng lượng từ Mỹ. Thứ hai, tăng cường các kênh tham vấn chính sách để có các thông tin liên tục và có thể phản ứng kịp thời với những thay đổi liên quan đến chính sách. Thứ ba là chuyển dịch năng lượng. Vì điều này liên quan đến các hoạt động về thu hút FDI cũng như liên quan đến các quy định mới về thương mại và đầu tư mà Mỹ và châu Âu đang đưa ra. Thứ tư, thực hiện đẩy nhanh lộ trình thực hiện các cam kết mà các quốc gia đã ký liên quan đến các FTA thế hệ mới. Cuối cùng, chúng ta cần tính đến việc đàm phán để gia nhập nền kinh tế kỹ thuật số quan trọng của khu vực".

Thế giới đang ở trong một giai đoạn bất ổn với các thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng, sự phân cực về chính trị, phân mảnh về kinh tế ngày càng sâu sắc. Chính vì thế, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung tăng cao đang làm tăng thêm các cơn gió ngược đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn mới chỉ phục hồi sau đại dịch và vẫn còn đứng trước nhiều thách thức.

Như tờ The Diplomat nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể chưa trở thành một cuộc chiến thương mại nhưng chắc chắn sẽ khiến triển vọng năm 2025 bếp bênh. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhận định, các nước, các doanh nghiệp sẽ cần chủ động trong điều chỉnh chính sách để quản lý rủi ro xung quanh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, ứng phó kịp thời trước các chuyển dịch kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước