Gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành yến sào

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 12/08/2024 16:40 GMT+7

VTV.vn - Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm yến sào còn có thể xuất khẩu, thậm chí là xuất khẩu tới các thị trường khó tính trên thế giới.

Cơ hội xuất khẩu sản phẩm yến sào

Trên cả nước đã có 42/63 tỉnh thành nuôi chim yến. Mỗi năm các nhà yến cho ra sản lượng hàng trăm tấn với giá trị gần 500 triệu USD. Đây là lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao cho các nhà sản xuất. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm yến sào còn có thể xuất khẩu, thậm chí là xuất khẩu tới các thị trường khó tính trên thế giới.

Là đơn vị sản xuất yến sào quy mô lớn tại miền Tây, doanh nghiệp của anh Sơn đang đẩy nhanh các thủ tục để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm vào Trung Quốc. Theo anh, đây là thị trường khá tiềm năng.

Ông Bùi Băng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Trí Sơn cho biết: "Theo đăng ký khoảng 70 tấn tổ yến/năm nhưng thường Trung Quốc chỉ cấp khoảng 50%. Nếu được trên 30 tấn/năm đối với chúng tôi cũng là rất thành công".

Hiện tại Việt Nam chỉ có 9 nhà máy sản xuất yến sào được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Con số này còn khá khiêm tốn so với hàng chục ngàn cơ sở nuôi yến của cả nước hiện nay. Và điều này cho thấy tiềm năng, lợi thế cũng như dư địa để gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng này.

Hiện 1 kg yến sào Việt Nam có giá bán từ 1.300 - 1.700 USD. Có mức giá tốt như vậy là nhờ yến sào của nước ta giàu dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng hơn so với sản phẩm của nhiều nước.

Bà Võ Thị Diễm - Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Hùng Diễm chia sẻ: "Kể cả khách Trung Quốc đem về bên kia cũng nói hàm lượng, vi lượng, protein, vitamin của yến Việt Nam rất cao".

Ông Hồng Đình Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến Sào Việt Nam nhận định: "Chúng tôi sẽ cố gắng tạo thương hiệu quốc gia của mình, tạo thương hiệu yến Việt Nam của chúng tôi đi sang thị trường nước bạn. Chúng tôi cũng đã thực hiện tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu".

Đến nay, sản phẩm yến sào Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng Pháp và Trung Quốc. Đặc biệt, tại Trung Quốc, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu hơn 400 tấn yến sào. Khai thác tốt tiềm năng và dư địa từ các thị trường sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành yến sào nước ta.

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành yến sào - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng yến sào, từ khâu sản xuất, cho tới chế biến trước khi xuất khẩu

Yến sào hướng đến xuất khẩu chính ngạch

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất nỗ lực trong việc đàm phán, ký nghị định thư với phía Trung Quốc để xuất khẩu yến sào chính ngạch vào thị trường tỷ dân này.

Ngành nông nghiệp của các địa phương và các nhà yến cũng đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng yến sào, từ khâu sản xuất, cho tới chế biến trước khi xuất khẩu.

Kiên Giang là những tỉnh có số lượng nhà yến nhiều nhất miền Tây với hơn 3.000 nhà yến. Để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, ngành nông nghiệp cùng các cơ sở tại đây phối hợp tổ chức khá bài bản từ khâu nuôi, kiểm soát dịch bệnh, tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nêu ý kiến: "Thứ nhất, chúng tôi đã có nghị quyết trực tiếp để hỗ trợ cho ngành yến sào trong việc tổ chức thực hiện. Thứ hai, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để xây dựng các mô hình thí điểm, trong đó đặc biệt là mô hình thí điểm về định danh các nhà yến, định danh các cơ sở để làm cơ sở chúng ta có điều kiện để tổ chức xuất khẩu".

Ngoài quy hoạch tốt ở khâu nuôi, các địa phương còn đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ yến. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu giúp mặt hàng này ngày một vươn xa.

Bà Trần Bé Mai - Trưởng Bộ phận Marketing, Công ty TNHH Yến sào Thất Sơn cho biết: "Hiện nay, đơn vị chúng tôi đang có hơn 10 mặt hàng giá trị gia tăng về yến sào và tương lai sẽ cố gắng nghiên cứu, phát triển cho ra nhiều sản phẩm giá trị hơn nữa, phù hợp cho nhiều phân khúc thị trường trong và ngoài nước".

Bà Lý Hứa Thị Lan Phương - Chủ nhãn hàng Yến Sào Mật Hoa Thốt Nốt Chân Phương tâm sự: "Xưa ăn no mặc ấm giờ ăn ngon mặc đẹp. Ăn ngon càng ngày càng tiến cao hơn nữa, nên mình phải cải tiến liên tục".

Mỗi năm, nước ta thu hơn 200 tấn tổ yến, chiếm khoảng 3% sản lượng yến toàn cầu. Muốn vươn xa hơn, không cách nào khác, ngành hàng này phải tổ chức sản xuất bài bản, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao và chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Cần quản lý chặt để phát triển bền vững ngành yến

Ngành yến sào có hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập. Đáng lo ngại nhất là tình trạng tự sản xuất, làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Việc đầu tư cho ngành này để nâng cao chất lượng cần được quan tâm một cách đúng mức.

Ông Hồng Đình Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến Sào Việt Nam nêu nhận định: "Chúng tôi có rất nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất của chúng tôi là thực hiện các công tác kiểm dịch. Chi phí của công tác kiểm dịch rất cao. Chúng tôi hy vọng cơ quan ban ngành quan tâm, hỗ trợ phần nào cho công tác kiểm dịch này".

Bà Võ Thị Diễm - Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Hùng Diễm tâm sự: "Có một đề án nào để có thể thúc đẩy được hồ sơ giấy tờ của những doanh nghiệp nhỏ và vừa giống như chúng tôi để có thể xuất đi được nhanh chóng. Doanh nghiệp đa phần tự bơi, loay hoay".

Ông Tôn Thất Thịnh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định: "Tổ chức sản xuất, liên kết lại các hộ theo các chi hội, theo các Hiệp hội và hợp tác xã để phát triển một cách bền vững ngành này".

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phát biểu: "Tổ chức một hoặc hai lớp tập huấn các chủ cơ sở, những người nuôi chim yến thì chúng ta nắm được quy trình sản xuất, nuôi chim yến cho an toàn dịch bệnh cũng như chất lượng sản phẩm khi đưa vào sản xuất xuất khẩu".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước