Theo Cục Thú y, sau sự kiện này, 45 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Trong đó, 5 doanh nghiệp đã hoàn tất khâu kiểm tra trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Với hơn 300 nhà nuôi yến, Công ty CP Việt Nam Quốc Yến cho biết có thể đăng ký sản lượng xuất khẩu lên tới hơn 30 tấn/năm. Hiện nay, doanh nghiệp là một trong năm đơn vị hoàn tất khâu kiểm tra trực tuyến và dự kiến nhận kết quả đăng ký xuất khẩu trong tuần này.
"Nếu chúng tôi đạt được mức này thì chúng tôi phải nhanh chóng phát triển. Thứ nhất là lượng nhân công. Thứ hai là có những cải tiến trong sản xuất, tăng năng suất của mỗi công nhân lên", ông Hồng Đình Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Quốc Yến, cho biết.
Còn Công ty CP Phát triển Tổ Yến Việt Nam trước đây chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch với những đơn hàng không quá 10 kg, nhưng hiện đã có nhiều nhà mua hàng sẵn sàng đặt đơn hàng trên 50 kg nếu doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu chính ngạch.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn cung cấp thêm hồ sơ cho phía Cục Thú y để Cục bổ sung hồ sơ để khẳng định với phía Hải quan Trung Quốc là chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ. Sau khi có hồ sơ như thế, Hải quan Trung Quốc sẽ trực tiếp hoặc kiểm tra online về hệ thống nhà xưởng của chúng tôi", ông Trần Phương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tổ Yến Việt Nam, cho hay.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tổ yến sấy khô trước khi đóng gói. (Ảnh: TTXVN)
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới khi mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, việc kích hoạt thị trường rộng lớn này, chuỗi ngành hàng yến sào Việt Nam sẽ được cấu trúc lại, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp sản xuất.
"Khi Trung Quốc tiếp nhận sản phẩm yến Việt Nam sẽ kéo theo ngành yến phát triển theo hướng quy mô lớn hơn, công nghiệp hơn về xây nhà yến, quy trình nuôi, thu hoạch, sơ chế, chế biến. Xuyên suốt phải đảm bảo an toàn thực phẩm", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Còn ông ông Lưu Tiến Dũng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Cần có một bức tranh toàn cảnh về cả ngành, nắm được sản lượng chung của cả ngành, biết chính xác được các bên tham gia vào chuỗi của ngành yến. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ làm chủ được sản lượng, có chiến lược liên quan đến gây dựng đàn, khai thác, quy hoạch vùng sinh thái cho yến phát triển".
Mỗi nhà yến được cấp 1 mã số, cơ quan thú y cũng cấp 1 chứng thư cho doanh nghiệp để hoàn tất thủ tục xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành hàng yến… Các hoạt động này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp để gia tăng cơ hội mà Nghị định thư đã mở ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!