Trong vòng 5 năm qua, diện tích sản xuất vụ đông luôn không đổi, duy trì ở mức 380.000 ha, nhưng trung bình giá trị sản xuất đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng qua mỗi năm. Giá trị sản xuất vụ đông tăng là do có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn, có thị trường đầu ra tương đối ổn định hơn.
Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng, Bắc Giang có 65 ha sản xuất rau và quả an toàn. Vụ đông năm nay, ngoài việc làm thêm nhà lưới để trồng những loại quả có giá trị kinh tế thì hợp tác xã cũng mở rộng diện tích gấp 3 lần với những loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, đang được thị trường ưa chuộng.
Tại Bắc Giang, việc ứng dụng công nghệ cao vào những cây vụ đông có giá trị kinh tế như dưa lưới, dưa chuột baby, cà chua bi, ớt ngọt là một trong những định hướng phát triển để hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiệu thời tiết khí hậu cũng như sâu bệnh. Đây cũng là một trong những biện pháp để tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất.
Thời điểm này, toàn miền Bắc đã bước vào vụ đông 2023 - vụ được coi là sản xuất chính trong năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Vụ đông 2023 được coi là thuận lợi để phát triển nhóm cây ưa ấm như ngô, đậu tương, lạc và đây cũng không phải mùa phát triển sâu bệnh. Tuy nhiên, đối với những nhóm cây có giá trị xuất khẩu lớn như cà rốt, hành, tỏi cần phải đặc biệt lưu ý với những bệnh tuyến trùng, sâu xanh da láng rất khó phòng trừ.
Mục tiêu sản xuất vụ đông 2023 sẽ ổn định diện tích gieo trồng như mọi năm nhưng sẽ tăng sản lượng lên khoảng 5 triệu tấn, tập trung phấn đấu đạt giá trị trên 40 nghìn tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.
Tăng cường liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản
Mục tiêu giá trị sản xuất vụ đông năm nay ở miền Bắc là 40.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các địa phương ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp thu mua, đẩy mạnh liên kết chuỗi để tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp trong vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc.
Hợp tác xã Nông nghiệp Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang đã có 7 năm hoạt động. Ngay khi thành lập, việc liên kết chuỗi đã được triển khai để nông sản của hợp tác xã vào được các chuỗi siêu thị lớn và kênh phân phối online.
Trước mỗi vụ sản xuất, đặc biệt là vụ đông, luôn có sự nghiên cứu, sắp xếp để trồng những loại cây đón thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, nhờ đó việc bao tiêu được dễ dàng hơn.
Nhờ liên kết chuỗi, nông dân yên tâm sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, không lo ế thừa nông sản, còn những đơn vị xuất khẩu sẽ ký hợp đồng thu mua trực tiếp với hợp tác xã để luôn có đơn hàng ổn định về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Giải pháp nâng giá trị của vụ đông
Mục tiêu giá trị sản xuất vụ đông năm nay ở miền Bắc là 40.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa. - (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Thông thường vụ đông chỉ canh tác trong 3 tháng nhưng lại mang giá trị kinh tế cao cho nông dân. Bởi vậy, nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ đã được ngành nông nghiệp đưa ra để tính toán vụ đông 2023 được thuận lợi, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích canh tác.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện nay các địa phương rất chủ động chính sách từ chính sách hỗ trợ con giống, vật tư, nội lực kết nối để có đầu ra ổn định, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… hài hòa và đầu tư ít nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta sẽ kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra, từ đó khuyến khích người dân đầu tư áp dụng khoa học.
Hiện nay có rất nhiều mô hình hiệu quả, Bộ đang tiếp tục đánh giá và cùng hệ thống khuyến nông triển khai để áp dụng ở diện tích lớn hơn, nhiều địa phương thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn".
Rau sớm vụ đông giá cao gấp 3 lần VTV.vn - Rau vụ Đông năm nay được mùa, được giá do bà con áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn và trồng đa dạng các loại rau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!