Thị trường vàng dịp Thần Tài năm nay, đặc biệt là mùng 10 tháng Giêng (31/1), không giống những năm trước, nhiều người mang vàng đi bán thay vì chen nhau mua vào để cầu may.
Lúc 11h30 ngày 1/2, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến quanh 66,3 triệu đồng/lượng mua vào, 67,3 triệu đồng/lượng bán ra - giảm khoảng 500.000 đồng/lượng so với hôm qua. Nếu so với mức đỉnh những ngày trước, giá vàng SJC đã "bốc hơi" khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ổn định quanh 54,5 triệu đồng/lượng mua vào, 55,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Hôm nay, các điểm kinh doanh vàng không còn nhộn nhịp như những ngày trước. Khách vào mua bán vàng khá thưa thớt.
Sau ngày vía Thần Tài, thị trường kim loại quý trong nước chịu ảnh hưởng trở lại từ giá thế giới. Mỗi ounce vàng quốc tế có lúc giảm gần 30 USD, về mốc 1.900 USD trước khi đảo chiều lên 1.930 USD. Sáng nay, giá thế giới lại điều chỉnh về 1.924 USD.
Nhu cầu về vàng tăng
Nhu cầu về vàng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong năm nay. Theo các nhà phân tích, loại kim loại quý này vẫn luôn có giá trị và là một loại tài sản có sức hút, nhất là trong thời kỳ khó khăn.
Theo báo cáo công bố hôm 31/1, Hội đồng Vàng thế giới nhận định năm 2023, nhu cầu vàng có sự đan xen tăng, giảm, song xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế.
Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu của thế giới đối với vàng trong năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào, trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn do lo ngại những bất ổn bởi lạm phát.
Theo đó, nhu cầu về vàng trong năm 2022 đã tăng gần 20%, lên 4.740 tấn, so với 1 năm trước. Lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đã tăng hơn 2 lần, lên 1.136 tấn - cao nhất trong hơn 50 năm qua do bất ổn địa chính trị tại Ukraine đã làm lạm phát gia tăng nhanh chóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!