Người dân mua vàng tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,5 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, trong khi giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua (31/1).
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội giao dịch ở mức 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên trước.
Tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC giao dịch ở mức 66,22 - 67,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua.
Hôm qua - ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), người dân tập trung mua vàng nhẫn, vàng miếng 1 - 2 chỉ có hình con mèo, hình Thần Tài, vàng trang sức… nên vàng miếng SJC bị "chê". Do đó, vào cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC giảm 100.000 - 250.000 đồng/lượng.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngày vía Thần Tài năm nay sức mua vàng không mạnh như nhiều năm trước. Các tiệm vàng, cửa hàng của doanh nghiệp gần như không có tình trạng chen lấn như những năm trước đây.
Tương tự, tại "phố vàng" Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, các cửa hàng chỉ đông khách trong khoảng 1 giờ từ khi mở cửa, sau đó thưa dần; không còn cảnh đông đúc, xếp hàng nhiều giờ mới mua được vàng trong ngày vía Thần Tài như những năm trước. Theo đại diện một cửa hàng vàng, lượng khách mua vàng trong ngày Thần Tài giảm rõ rệt so với các năm trước.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ
Rạng sáng nay, giá vàng thế giới đảo chiều tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 5,2 USD lên mức 1.928,1 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.929,5 USD/ ounce, tăng 6,6 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Nhu cầu mua vàng thỏi của các nhà đầu tư và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 tăng mạnh. (Ảnh: Getty Images)
Trên thị trường kim loại quý thế giới, giao dịch vẫn trầm lắng khi cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên trong năm 2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang diễn ra. Hầu hết đều tin rằng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Sau FED, các ngân hàng trung ương lớn khác, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng năm 2022 của WGC cho thấy, nhu cầu mua vàng thỏi của các nhà đầu tư và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 tăng mạnh.
Nhu cầu vàng toàn cầu năm 2022 tăng 18% lên 4.741 tấn, gần bằng với kỷ lục của năm 2011. Đáng chú ý, riêng trong quý IV, lượng vàng giao dịch là 1.337 tấn.
Trong khi nhu cầu nắm giữ vàng của các quỹ ETF (giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng) lại giảm 110 tấn. Dòng tiền giao dịch của các quỹ tốt hơn đáng kể so với năm 2021.
Nhu cầu vàng thỏi và tiền xu tăng lên mức cao nhất 9 năm là 1.217 tấn, tăng 2% so với năm 2021.
Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng trong năm qua. Trong quý IV/2022, các ngân hàng trung ương mua 417 tấn vàng. Năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua 1.136 tấn vàng, mức cao nhất kể từ 1967.
Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của WGC Juan Carlos Artigas cho biết, vàng được các nhà đầu tư quan tâm. Nhu cầu vàng vật chất cao khiến giá vàng tăng lên mức 1.800 USD/ounce.
"Vàng là một có hiệu quả đầu tư tốt nhất trong năm ngoái. Mặc dù có một số trở ngại, nhưng vàng có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Từ đầu năm, các quỹ ETF quan tâm tới vàng nhiều hơn", Artigas cho biết thêm.
Về triển vọng đối với vàng, theo WGC, USD tiếp tục suy yếu, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, trái phiếu, cổ phiếu không còn hấp dẫn và rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ là các yếu tố giúp cho vàng trở nên hấp dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!