Cụ thể, tại thời điểm lúc 9h22 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80 - 82,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,9 - 81,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Cùng với giá vàng SJC tăng mạnh thì giá vàng nhẫn tăng đột ngột hơn với mức tăng gần trên 1,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 69,9 - 70,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,95 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,58 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 69,43 -70,73 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,46 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,56 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Thị trường vàng trong nước đang diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh sẽ tác động đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Điều này đòi hỏi cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng theo hướng vừa đảm bảo quản lý thị trường vàng, vừa đảm bảo tính thị trường.
Sau hơn 10 năm, khi kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát, nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng theo hướng sát thị trường hơn, giúp cung và cầu vàng gặp nhau. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng thừa nhận đáng lẽ ra phải sửa đổi sớm hơn để phù hợp trước diễn biến thị trường vàng hiện nay.
Hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, tuy nhiên từ năm 2014 lại không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế. Từ đó, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC; cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng, còn vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc thị trường, do các cơ quan chức năng quản lý. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò hiện nay của Nghị định 24/2012/NĐ-CP để xem còn hiệu quả hay không.
"Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc xem xét lại vàng miếng SJC so với những loại vàng khác, thương hiệu khác. Mục tiêu cuối cùng phải đạt được là quản lý thị trường vàng để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu người dân", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Hôm qua 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân…gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng. Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 3/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!