Giá vàng SJC lao dốc sau chuỗi ngày tăng phi mã. (Ảnh: TTXVN)
Thời điểm 9h35, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá thu mua vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 71 triệu đồng/lượng, bán ra 74,02 triệu đồng/lượng. Sau điều chỉnh, giá vàng SJC giảm 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3,5 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên hôm qua (28/12).
Tương tự, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý cũng hạ giá vàng miếng SJC 3,25 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, xuống 70,05 - 74 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra).
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, mỗi lượng vàng miếng ở khu vực Hà Nội được doanh nghiệp niêm yết ở mức 71 - 75 triệu đồng một lượng, giảm lần lượt 1 triệu đồng chiều mua vào và 2,5 triệu đồng chiều bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh, mỗi lượng vàng miếng giảm 2,95 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán, xuống 70,05 - 74 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong phiên chiều 28/12, giá vàng biến động mạnh. Giá vàng biến động mạnh trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những chỉ đạo để ổn định thị trường kim loại quý.
Riêng phiên hôm qua, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã có 15 lần điều chỉnh giá vàng miếng lên xuống. Giá bán cao nhất có lúc đạt 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau thông tin chỉ đạo của Thủ tướng về thị trường vàng, giá vàng miếng SJC bất ngờ "bốc hơi" từng phút, có thời điểm rơi về 76 triệu đồng/lượng, chiều mua về 73 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Đợt tăng giá mạnh của vàng gần đây có thể tạo ra áp lực chốt lời. (Ảnh: Getty Images)
Trên thế giới, rạng sáng nay, giá vàng giao ngay giảm 12,7 USD xuống 2.065 USD/ounce. Vàng tương lai niêm yết mức 2.075,8 USD/ounce, giảm 12,2 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới giảm sau khi chạm mức cao nhất trong 3 tuần. Kim loại quý chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng. Chỉ số US Dollar Index đã tăng 0,2% sau khi giảm xuống mức thấp trong 5 tháng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đã tăng trở lại và thoát khỏi mức thấp nhất kể từ tháng 7, làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích của UBS cho biết, việc thiếu chất xúc tác trong thời kỳ thanh khoản yếu có thể giúp vàng ổn định. Chất xúc tác tiếp theo có thể đến từ một số báo cáo quan trọng, trong đó có chỉ số quản trị mua hàng và báo cáo việc làm vào đầu năm 2024.
Vị chuyên gia này dự báo giá vàng sẽ cao hơn trong 12 tháng tới nhờ dữ liệu kinh tế yếu hơn và lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải cắt giảm lãi suất.
Hiện các nhà đầu tư đang đặt cược vào 88% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3, theo công cụ CME FedWatch.
Bất ổn địa chính trị không suy giảm tại nhiều khu vực, trong đó có Ukraine, Trung Đông, Biển Đỏ... cùng với sức mua ròng mạnh của ngân hàng trung ương các nước là yếu tố đẩy giá vàng thế giới lên mạnh trong cả năm 2023.
Sức cầu vàng tại Ấn Độ và Trung Quốc trong mùa cao điểm cũng là lực đẩy cho mặt hàng kim loại quý này.
Nhiều dự báo cho rằng, trong năm 2024, sức cầu đối với vàng còn lớn khi mà bất ổn còn phổ biến. Sự suy giảm của đồng bạc xanh cũng kéo giá vàng dần đi lên. Tuy nhiên, đợt tăng giá mạnh gần đây có thể tạo ra áp lực chốt lời. Điều này đồng nghĩa với việc vàng khó bứt phá quá mạnh trong năm mới.
Giá vàng dậy sóng, cẩn thận "bỏng tay" VTV.vn - Trước diễn biến của giá vàng miếng trong những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng với giao dịch vàng để tránh rủi ro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!