"Vàng là một trong những loại tài sản sẽ tăng phi mã vì 2 lý do. Một là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kích hoạt siêu nới lỏng định lượng; hai là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cũng bắt đầu nới lỏng định lượng. Đây là phép màu đối với giá vàng thế giới", ông Michael Howell, CEO của Crossborder Capital nhận định.
Vàng thiết lập mặt bằng giá mới. Nhiều khả năng giá vàng còn tiếp tục tăng. (Ảnh: Fxempire)
Từ trước đến nay, vàng luôn là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát tăng, lãi suất giảm. Tất cả những yếu tố đang hiện hữu này sẽ là chất xúc tác đẩy giá vàng lên cao trong tương lai gần.
CEO của quỹ Euro Pacific đã đăng dòng tweet về hiện tượng này: "Có vẻ như mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ban đầu được coi như mức trần, giờ đã trở thành mức sàn. Thậm chí, tỷ lệ lạm phát thực tế sẽ còn cao hơn mức 2% nhiều. Nếu tôi đầu tư thì sẽ mua vàng trước khi người người đổ xô đi mua".
Theo tờ Thời báo phố Wall, các quỹ hoán đổi danh mục ETF vàng đã ghi nhận mức tiền đổ mạnh vào đây, lên tới 40 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. Không chỉ là tài sản trú ẩn, vàng còn được dùng nhiều trong công nghiệp bán dẫn và chip. Khi các chuỗi cung ứng bị đình trệ do dịch, nhu cầu vàng lại tăng cao.
Khoảng 30% khả năng vàng thế giới sẽ cán mốc 2.000 USD trong 3 tháng tới. (Ảnh: Bloomberg)
Edward Morse, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường hàng hóa tại Citi, dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục lập đỉnh trong vòng 6 - 9 tháng tới và có khoảng 30% khả năng vàng thế giới sẽ cán mốc 2.000 USD trong 3 tháng tới. Đặc biệt, khi các yếu tố đẩy giá vàng lên vẫn sẽ hiện hữu, đó là lãi suất thấp, các ngân hàng trung ương in tiền ồ ạt, các thị trường đầu tư khác sinh lời thấp và nhu cầu đối với vàng tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!