Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu trong nước đã có 20 lần điều chỉnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong tuần qua, giá dầu thế giới lao dốc mạnh xuống mức dưới mốc 100 USD/thùng. Phiên giao dịch hôm nay (9/8), giá dầu WTI giảm 0,14 USD/thùng xuống 90,63 USD/thùng; dầu Brent giảm 0,11 USD/thùng về mức 96,54 USD/thùng.
Tuần trước, lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng đã đẩy giá dầu Brent giao tháng trước giảm 13,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất của dầu Brent kể từ tháng 4/2020 và WTI mất 9,7%.
Giới phân tích cho rằng, nguồn cung khá eo hẹp cùng nỗi lo suy thoái vẫn là những nhân tố chính khiến giá “vàng đen” lao dốc. Ngoài ra, giá dầu giảm còn chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng bạc xanh.
Bên cạnh đó, giá dầu đi xuống còn do nhu cầu giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, nhu cầu tiêu thụ xăng của nước này đã giảm 1 triệu thùng/ngày so với tháng 7/2020.
Trong khi đó, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore hiện đã quay về gần 100 USD/thùng. Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng nhập từ Singapore tính đến ngày 7/8 đã giảm về mức 103 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong 7 tháng qua.
Mức giá này tương đương với mức giá hồi cuối tháng 1, khi đó giá xăng bán lẻ là 24.360 đồng/lít. Như vậy, nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng nhập hiện chỉ ở mức hơn 21.000 đồng/lít.
Tại thị trường trong nước, vào 11/8 tới, giá xăng, dầu sẽ bước vào kỳ điều chỉnh mới. Việc giá xăng nhập giảm mạnh sẽ là cơ sở để giá xăng trong nước tiếp tục hạ giá. Nhiều doanh nghiệp dự báo giá xăng sẽ giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 11/8, tuy nhiên chưa thể về mức 21.000 đồng.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc đi ngang trong những ngày tới thì giá xăng, dầu trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể còn phụ thuộc vào biến động giá xăng, dầu thế giới trong một vài ngày tới cũng như mức trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo, giá xăng trong kỳ điều chỉnh tới có thể giảm nếu cơ quan điều hành không trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu. Theo đó, giá xăng có thể giảm từ 1.000 - 1.300 đồng một lít; giá dầu có thể giảm từ 900 - 1.100 đồng một lít.
Hôm 8/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Cụ thể theo Nghị định, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu trong nước đã có 20 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Sau chuỗi ngày tăng nóng trong quý 2/2022, giá xăng đã có 4 đợt giảm liên tiếp nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt.
Trong kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 1/8), nhà điều hành đã giảm giá xăng trong nước lần thứ 4 liên tiếp.
Hiện giá bán lẻ xăng E5 RON 92 không quá 24.620 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm tháng 2.
Trong khi đó, giá dầu diesel 0.05S còn 23.900 đồng/lít, giá dầu hỏa không cao hơn 24.530 đồng/lít, giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.540 đồng/kg.
Như vậy, tổng mức giảm giá xăng đến nay đã gần 7.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!