Sau 5 lần tăng, giá xăng hiện đã lên sát 25.000 đồng/lít, còn giá dầu lần lượt tăng 63 - 74% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với đó các chi phí bảo trì, bến đỗ cũng theo chiều đi lên đã khiến các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá dịch vụ từ 5 - 10%, thông tin đáng chú ý trên VnExpress.
Ngoài ra, việc phải chịu thêm các loại phí như phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường cùng với chi phí nhân công buộc các doanh nghiệp điều chỉnh giá để có thể duy trì khi hoạt động kinh doanh trong điều kiện ngặt nghèo. Tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng chấp nhận mức tăng như thế này và doanh nghiệp buộc phải tính toán hợp lý nhất có thể mới nhận vận chuyển.
Giá xăng tăng cao nhất 7 năm qua. (Ảnh: Dân trí)
Đối với việc vận hành xe chở hàng, chi phí dầu chiếm 35%, phí duy trì xe tăng thêm 20%, bao gồm vỏ lốp xe, mỡ xe và chi phí cho lái xe cũng chiếm một phần. Từ những khó khăn đó, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cân nhắc điều chỉnh giá xăng để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi.
Giá thép toàn cầu giảm nhanh, doanh nghiệp thép Việt vẫn còn cơ hội tăng doanh số nhờ xuất khẩu sang Mỹ, EU
Mặc dù giá thép toàn cầu đang có xu hướng giảm, các công ty sản xuất thép có lợi thế về xuất khẩu vẫn có thể tăng doanh thu bằng cách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU trong bối cảnh Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép để đảm bảo mục tiêu môi trường. Đây là nhận định được chỉ ra trên VnEconomy.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu thép của nước ta trong tháng 10 tăng 140% so với cùng kỳ, sản lượng xuất khẩu tăng 34% cho thấy xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU có thể là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý 4.
Tuy nhiên để có thể phục hồi nhanh chóng, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng kỳ vọng vào thị trường nội địa sau khi chính sách giãn cách được nới lỏng. Nhiều khu vực xây dựng sẽ hoạt động trở lại sau giãn cách có thể góp phần vào bùng nổ nhu cầu trong quý 4 2021. Giá bán trong nước được kỳ vọng sẽ tăng do sự kết hợp của lượng cầu bị dồn nén sau giãn cách và cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
5G đã sẵn sàng thương mại hóa
Việt Nam hoàn toàn có thể thương mại công nghệ 5G trong 1 - 2 năm tới bởi công nghệ đã sẵn sàng, đó là nhận định của ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia về tốc độ thương mại dịch vụ này trên Nhịp cầu đầu tư. Sở dĩ có được như vậy là do năm 2020, Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ này ở dạng thương mại thử nghiệm trên 15 tỉnh và cũng đã có các ứng dụng khác nhau cho người dùng cá nhân, khu công nghiệp, cho các doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm.
Ước tính, để bắt đầu 5G, một doanh nghiệp viễn thông phải cần từ 1 - 1,5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và chi phí đầu tư cũng là một bài toán lớn cần tính đến.
Thêm vào đó, mô hình để ứng dụng công nghệ này là một mô hình mới, do đó sẽ không thể triển khai 5G ngay một lúc phủ sóng như 4G, vì về mặt kinh doanh, điều đó không khả thi cho các nhà mạng. Vì vậy, thách thức chính trong triển khai 5G là phải tạo ra được hệ sinh thái đủ mạnh.
Tuy nhiên, thương mại hóa được dịch vụ này sẽ giúp nhà mạng giảm chi phí và nhà mạng bán gói cước trên nền tảng 5G cùng dung lượng với 4G, lợi nhuận sẽ cao hơn. Công nghệ mới sẽ giúp nhà mạng cung cấp được cho người dùng gói cước có dung lượng cao hơn rất nhiều so với 4G mà giá không thay đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!