Điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần: Sẽ tránh độ trễ trong điều hành giá

TTXVN-Thứ tư, ngày 10/11/2021 18:37 GMT+7

VTV.vn - Nhiều chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần có thể giúp giá tiệm cận với xu hướng biến động của thị trường thế giới.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022. Nhiều chuyên gia cho rằng, những điểm mới trong Nghị định 95 sẽ phản ánh đúng giá thực tế, đặc biệt, tránh độ trễ trong điều hành giá xăng dầu.

Thay đổi cách tính giá cơ sở

Theo Nghị định mới, cách tính giá cơ sở xăng dầu đã được thay đổi. Cụ thể, công thức tính giá cơ sở mới sẽ gồm cả tỷ trọng nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu. Điều này có nghĩa giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỷ lệ nguồn sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu; trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm: giá thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG), chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng...) và bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.

Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng Premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác. Riêng xăng sinh học (E5, E10...) được tính thêm tỷ lệ % theo thể tích xăng không chì, tỷ lệ % theo thể tích của ethanol được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỷ lệ nhất định.

Điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần: Sẽ tránh độ trễ trong điều hành giá - Ảnh 1.

Theo Nghị định mới, cách tính giá cơ sở xăng dầu đã được thay đổi. Ảnh minh họa.

Nhận định về cách tính giá mới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, cách tính mới trong Nghị định 95 là phù hợp với cơ cấu nguồn xăng dầu hiện nay; trong khi cách tính cũ chủ yếu dựa trên cơ sở giá xăng dầu nhập khẩu là chính. Bởi xăng dầu sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 70% và về cơ bản có giá thành cơ sở rẻ hơn so với nhập khẩu.

Do vậy, sau khi tính giá bình quân của hai nguồn xăng dầu nhập khẩu - trong nước thì giá xăng dầu sẽ giảm đi so với giá nhập khẩu trước đây. Cùng với đó, sự phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng sẽ giảm đi.

Đại diện doanh nghiệp PV Oil cho rằng, việc đưa giá xăng dầu trong nước làm cơ sở tính giá xăng dầu trong nước là điều cần thiết và giúp giá xăng dầu Việt Nam phản ánh sát diễn biến thị trường hơn. Hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước đã chiếm tỷ lệ đến 70-80%, như vậy sẽ giúp thị trường xăng dầu theo kịp diễn biến sản xuất.

Tại Việt Nam, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, giá xăng dầu liên tiếp tăng và đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục chắc chắn sẽ tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm và tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nghị định 95 được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ được ổn định giá xăng dầu, kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác cũng như giữ lạm phát.

Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ, cách tính giá mới sẽ phần nào giúp phản ánh đúng giá xăng. Tuy nhiên, để đảm bảo giá xăng dầu không "nhảy múa", nên bỏ quỹ bình ổn. Có thể để doanh nghiệp sử dụng số dư quỹ để mua xăng dầu dự trữ tại thời điểm giá xăng dầu thế giới thấp, để khi giá thế giới cao, doanh nghiệp có thể xả nguồn dự trữ này. Điều này sẽ giúp đạt được lợi ích cho cả 3 bên, nhà nước không phải bỏ ngân sách để bình ổn, doanh nghiệp được lợi khi mua giá thấp – bán giá cao, còn người tiêu dùng thì không phải chịu biến động giá mạnh; cùng đó là những giải pháp về giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý.

Không để điều hành chậm so với thế giới

Điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần: Sẽ tránh độ trễ trong điều hành giá - Ảnh 2.

Bộ Công Thương đã sửa theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng về 10 ngày/lần. Ảnh minh họa.

Một điểm đáng lưu ý khác trong Nghị định 95 là việc rút ngắn thời gian điều hành giá từ 15 ngày/lần xuống còn 10 ngày/lần. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đề xuất điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần là để sát hơn với giá biến động của thế giới.

Nếu trong 15 ngày mà giá thế giới có sự biến đổi rõ nét thì độ trễ điều hành trong nước chưa sát với tình hình thế giới và xét trong một số hiện tượng, nếu doanh nghiệp kỳ vọng giá tăng, sẽ có thể xảy ra hiện tượng găm hàng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Do đó, để khắc phục, Bộ Công Thương đã sửa theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng về 10 ngày/lần và có thêm biện pháp để trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường quá lớn, chẳng hạn như 3-4 ngày mà ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và nguồn cung thì liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm điều hành hợp lý.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần có thể giúp giá tiệm cận với xu hướng biến động của thị trường thế giới. Song về lâu dài, cần nghiên cứu rút ngắn hơn nữa chu kỳ điều hành giá.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu giá cả cho hay, có những thời điểm, giá xăng trong nước chưa được điều chỉnh kịp thời với những biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Do đó, việc rút ngắn sẽ khắc phục những hạn chế này. Các mốc thời điểm trong tháng là ngày 1, 11 và 21 cũng phù hợp với chu kỳ lấy giá trong tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng và thuận lợi hơn trong việc tổng hợp các dữ liệu tính giá từ báo cáo của các doanh nghiệp..

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước