Năng suất lao động Việt Nam kém xa nhiều nước trong khu vực châu Á
Năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động về kinh tế của một quốc gia, được tính bằng tổng giá trị GDP chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm. Vừa qua, tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia" đã được tổ chức tại Hà Nội để tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam là 2.400 USD, còn kém xa nhiều nước trong khu vực châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam gần nhất với Phillipines, kém xa các nước hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ bằng 1/3 so với Malaysia và đặc biệt là chỉ bằng 1/10 so với Singapore.
Gia công dệt may, da giầy là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năng suất lao động thực ra so với những năm trước đã tăng lên nhưng nghịch lý là sản lượng các ngành này làm ra rất lớn, người lao động thường xuyên phải tăng ca trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động vẫn thấp.
Một công nhân may giờ đây có thể sản xuất 33 cái áo/ngày thay vì 18 cái/ngày như trước kia. Dây chuyền, máy móc được trang bị mới, hiện đại nên năng suất của người lao động ở đây cũng thuộc vào loại cao nhất thế giới nhưng tiền công, thu nhập của người lao động khá thấp so với mặt bằng chung.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: "Tại sao chúng ta nói năng suất lao động của Việt Nam quy về mặt giá trị thấp hơn các đơn vị khác? Có thể ngành may của chúng ta đang được hiểu là nằm chờ trong một chuỗi giá trị chưa được cao trong chuỗi giá trị về sản phẩm thời trang dệt may trên toàn cầu".
Sở dĩ có tình trạng này là do giá thành gia công sản phẩm không cao nên dù công nhân làm hết sức thì thu nhập cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhiều năm nay, giá thành gia công sản phẩm vẫn chưa tăng đáng kể trong khi người lao động Việt Nam được đánh giá có tay nghề tốt và được nhiều nhãn hàng lớn đặt gia công.
Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Tập đoàn Giovanni cho biết: "Chúng ta phần lớn dừng ở công đoạn cuối, tức là công đoạn gia công, lắp ráp và thay thế sản phẩm. Nên chi phí là thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành dệt may cũng như là ngành da giầy, túi xách. Chính vì vậy, mức thu nhập của người lao động rất khó tăng lên vì chi phí của các đơn hàng quốc tế của các thương hiệu quốc tế ở mức rất thấp, đồng thời họ cạnh tranh với các thị trường khu vực. Nếu chi phí sản xuất ở nước ta tăng lên thì họ sẽ dịch chuyển các đơn hàng này sang các nước có lợi thế lao động rẻ hơn và có năng suất hơn. Đó chính là áp lực cho doanh nghiệp có thể tăng thu nhập cho người lao động".
Giá trị sản xuất theo giờ là một yếu tố để đánh giá mức độ của năng suất lao động. Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á cho thấy, năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.
Gia công dệt may, da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta
Nỗ lực nâng cao năng suất lao động
Những con số cho thấy dù tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm qua, song năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, như chỉ bằng 1/10 của Singapore. Để cải thiện tình trạng này không có cách nào khác là đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ của người lao động để nâng cao năng suất lao động cả về chất và lượng.
Đầu tư vào phân khúc sản phẩm cao hơn, không chỉ bán sức lao động mà bán cả các ý tưởng sáng tạo là cách làm mang lại hiệu quả rõ rệt ở công ty may.
Bà Nguyễn Thị Lập - Trưởng phòng Kỹ thuật Tổng công ty May 10 chia sẻ: "Bộ phận Vtech của chúng tôi sẽ nghiên cứu về kỹ thuật kết hợp với các bộ phận thiết kế mẫu, bộ phận 3D sẽ may mẫu trên máy tính để chúng tôi có thể duyệt mẫu với khách hàng trước thay vì trước đây, chúng tôi phải may người may thực tế và nguyên phụ liệu phải tập kết. Nhưng bây giờ chúng tôi đã có công nghệ 3D để chúng tôi giảm bớt một vòng đời mẫu".
Cùng với việc bán thiết kế, doanh nghiệp sẽ dẫn dắt được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho đối tác, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng phụ trợ cho sản xuất như dệt may, hóa chất, bao bì, in ấn…
Từ chỗ chỉ gia công đơn thuần, đến nay rất nhiều doanh nghiệp dệt may, da giầy túi xách đã bắt đầu chuyển sang thiết kế để tăng thêm lợi nhuận. Vẫn là thương hiệu của nước ngoài nhưng những chiếc túi này là sản phẩm thiết kế của người Việt.
Chị Thùy Anh - Nhân viên thiết kế Tập đoàn Giovani tâm sự: "Để làm ra một ma trận sản phẩm hoàn hảo và có đủ hết dòng hàng, đủ hết chất liệu nguyên liệu khác nhau, hàng năm chúng tôi phải nghiên cứu đi trước một mùa, tức là tầm 6-12 tháng, để thu thập được các nguyên phụ liệu mà có thể đi theo trend, bắt kịp xu hướng thời đại".
Dù chưa thương mại hóa được sản phẩm của mình nhưng doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi cơ bản, tăng dần đội ngũ lao động gián tiếp từ 20 người lên 300 người. Sau khi đầu tư vào thiết kế, marketing sản phẩm, lợi nhuận của công ty đã tăng lên 150% so với trước và người lao động cũng có thu nhập cao hơn.
Bà Phan Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam nêu ý kiến: "Chúng ta phải chủ động tiếp các hoạt động như thiết kế sản phẩm, chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hoặc chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động phân phối, xuất khẩu sản phẩm".
Với các doanh nghiệp gia công thì như vậy. Còn đối với doanh nghiệp công nghệ cao, chìa khóa để tăng năng suất lao động chính là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Nhóm kỹ sư của doanh nghiệp viễn thông này đã thành công trong việc sản xuất chíp cho hệ thống 5G.
Anh Dương Hạ Vũ - Kỹ sư Tập đoàn Viettel nhận định: "Sau quá trình 7 năm liên tục học hỏi, trau dồi, cũng như phát triển sản phẩm, hiện tại chúng ta tự tin đã làm chủ được những dòng sản phẩm vi mạch đầu tiên và có thể được các đối tác quốc tế đánh giá rất cao, có thể cạnh tranh tương đương với các sản phẩm thương mại trên thị trường".
Ông Lê Bá Tân - Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel cho rằng: "Trên cơ sở công việc hàng ngày của anh em, anh em luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và tìm ra những cách làm. Thứ nhất, nâng cao năng suất lao động, thứ hai là giảm sức lực bằng các giải pháp thông minh, tự động hóa".
Từ thành công của các doanh nghiệp có năng suất lao động cao cho thấy, trình độ của người lao động, sự sáng tạo, đổi mới trong sản xuất là yếu tố quyết định để tăng năng suất lao động.
Giải pháp nâng cao năng suất lao động
Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 26/5 đã nhận được nhiều ý kiến tham luận. Từ người lao động- người trực tiếp tham gia sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, tổ chức công đoàn…đã đưa ra ý tưởng về những giải pháp để nâng cao năng suất lao động.
Các chuyên gia tại diễn đàn đánh giá, sở dĩ năng suất lao động Việt Nam thấp là do phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: "Để tăng năng suất lao động của nước ta, chúng tôi thấy vấn đề con người rất quan trọng. Các giải pháp tăng kỹ năng của con người lao động là điều mà chúng ta cần tập trung vào để đẩy mạnh phần đóng góp trong năng suất lao động nói chung".
Hiện nay, 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước như ngành nông lâm thủy sản, ngành bán buôn bán lẻ… Những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp, chỉ chiếm 10,28% trên tổng số lao động có việc làm.
Để tăng năng suất lao động, việc cần làm là dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn mà đang thiếu lao động.
GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội đưa ra ý kiến: "Phải nâng cao trình độ thì mới có thể tiếp cận được những khâu mà sản xuất có giá trị cao, khi đó mới tăng được hiệu quả của lao động cá nhân. Doanh nghiệp phải đầu tư, cải tiến về máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ. Quốc gia tích cực tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển sang những khu vực sản phẩm có giá trị kinh tế cao như những sản phẩm công nghệ cao, những sản phẩm có chế biến sâu".
Đến dự và chia sẻ tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh "Con người là trung tâm, là chủ thể của tăng năng suất lao động. Con người vừa là nguồn lực, là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động".
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ đang phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!