"Giải cứu" là câu chuyện đã không còn mới và việc "giải cứu" hàng nông sản ở Việt Nam dường như đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Mới chỉ đầu tháng 3 này, hình ảnh ruộng cà chua và củ cải của bà con nông dân tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội bị ứ đọng, khó tiêu thụ, dù giá bán rất rẻ đã khiến nhiều người thương cảm.
Lời kêu gọi giải cứu ngay lập tức được diễn ra và được người dân Thủ đô đã hưởng ứng nhiệt tình. Thế nhưng điều đáng nói, vào năm 2018, chính những người nông dân tại xã Tráng Việt cũng đã từng đau xót nhìn cảnh củ cải phơi trắng cả cánh đồng trong điệp khúc "được mùa, mất giá". Đúng 3 năm trước, 2.000 tấn củ cải ứ đọng tại ruộng cũng đã phải trông chờ vào những đợt giải cứu như thế này.
Thiếu giải pháp nhất quán trong vùng chuyên canh nông sản
Huyện Mê Linh được coi là vùng nguyên liệu nông sản lớn của thành phố Hà Nội. Những năm qua, địa phương này đã tập trung chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất hoa và rau màu. Thế nhưng hoạt động sản xuất nông sản luôn tồn tại nhiều vấn đề, ví dụ như vẫn còn xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá", tiêu thụ không ổn định.
Củ cải tại huyện Mê Linh, Hà Nội không có khách hàng mua nên người dân đành phải nhổ bỏ. (Ảnh: PLO)
Năm nay, nhiều người cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng thực phẩm sụp đổ dẫn đến tình trạng nông sản bị đổ bỏ là điều không thể tránh khỏi. Xét vào mỗi thời điểm, sẽ có những cách lý giải khác nhau, nhưng không thể chỉ dựa vào đó mà đổ lỗi hoàn toàn cho những nguyên nhân khách quan.
Ghi nhận tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, thửa ruộng này chưa thu hoạch xong, thửa khác đã bắt tay vào sản xuất. Thay vì 4 vụ thì nay, người dân tại đây đã tăng sản xuất lên 5 - 6 vụ/năm.
"Chúng em phải trồng chứ, làng nghề em là nghề rau nên phải cứ trồng", một người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ.
"Tất cả người dân ở Đông Cao này không nghĩ mình làm ít hay làm nhiều, mà cứ có đất là mình làm", một người dân khác cho biết.
"Mình là nông dân, mình chỉ biết trồng thôi. Thị trường nó tiêu thụ thế nào thì mình không biết.", một người dân khác nói.
Không cần biết thị trường tiêu thụ như thế nào, mà chỉ cần biết có sức thì cứ làm, hệ quả là sản lượng đã vượt quá dự kiến đầu ra.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu phòng kinh tế phối hợp với ủy ban xã, hợp tác xã xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, đưa ra mức tiêu thụ bình quân năm là bao nhiêu để chỉ sản xuất theo mức tiêu thụ đó thì sẽ ổn định được lâu dài về sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm", ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hà Nội, cho hay.
Điều này đồng nghĩa, từ trước đến nay, việc phối hợp và triển khai của các đơn vị phát triển kinh tế nông nghiệp đã không đồng nhất. Điều dễ thấy là nông sản rớt giá, lượng lớn ùn ứ và không ít trong số đó phải bỏ đi vì chất lượng kém.
Theo quan điểm của lãnh đạo huyện Mê Linh, do tình hình dịch bệnh nên lượng tiêu thụ chậm lại và giá có thấp hơn nhưng không vì thế mà cần phải giải cứu.
Cần xóa bỏ tư tưởng nuôi trồng theo kiểu phó mặc
Trước câu chuyện người nông dân phải tự tay nhổ bỏ thành quả mà mình đã vun trồng, nếu chỉ nhìn bằng ánh mắt thương cảm, đau xót thì chưa đủ để thấu hiểu. Nguyên nhân sâu sa của thực tại này đến từ đâu phải nhìn thẳng và nhìn rõ vào chủ thể của ngành sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ này. Đó mới là cách để chúng ta đánh giá được bản chất của vấn đề.
Chất lượng cà chua đã xuống nhưng thay vì nhổ bỏ, nhiều hộ dân xã Tráng Việt vẫn giữ lấy để tiếp tục thu hoạch, bởi với bà con, kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy.
Vì cố kéo vụ mùa, chất lượng nông sản giảm, giá thành cũng giảm theo, đặc biệt đầu ra sẽ càng hạn chế do dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
"Giải cứu" là câu chuyện đã không còn mới và việc "giải cứu" hàng nông sản ở Việt Nam dường như đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". (Ảnh: Dân trí)
Trong quá trình sản xuất và thu hoạch, người nông dân không tuân thủ theo quy trình được hợp tác xã đề ra, nhưng khi hàng hóa không tiêu thụ được thì "trăm dâu đổ đầu tằm".
Lúc này, Giám đốc hợp tác xã cũng trở thành người bán hàng bất đắc dĩ. Ngày càng nhiều lượng nông sản đổ về hợp tác xã để nhờ giải cứu. Nhiều hộ trước đây ngại đóng phí hội viên 200.000 đồng/năm, nhưng nay trước thời thế - thế thời đã vội vã xin vào nhằm mong được giải cứu.
"Phải nhờ hợp tác xã giải cứu thôi chứ không thế này người dân đói", một người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, bày tỏ.
Sự nương cậy chỉ mang tính tức thời, điều quan trọng là người nông dân phải biết tuân thủ đúng vùng quy hoạch và lịch thời vụ canh tác. Thấm thía bài học đó, không ít người đã tự tìm đầu ra cho mình.
Người nông dân luôn yếu thế mỗi khi xảy ra những biến động từ thị trường. Nhìn những hình ảnh bà con phải đổ bỏ đi những thứ do mình vun xới, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tuy nhiên, hành động "giải cứu" mà chúng ta đang làm có mang lại ý nghĩa trọn vẹn hay không? Và một nền sản xuất còn dựa vào những giải pháp mang tính tình thế, thì liệu có thể phát triển bền vững được hay không?
"Người ta mới chỉ quan tâm đến cứu, nghĩa là bán được ra và đẩy mạnh ra, còn giải pháp căn cơ như thế nào để cho nông sản được lưu thông, không ùn ứ và giảm giá chúng ta lại chưa coi trọng. Vì vậy, một số nơi hàng hóa chưa đến mức độ thừa người ta cũng dựa vào giải cứu để bán hàng. Tâm lý của giải cứu đang đè nặng lên người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều nước cảm thấy mệt mỏi khi chúng ta đưa ra từ giải cứu", chuyên gia Nông Nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định.
Khi chính quyền địa phương không kêu gọi giải cứu, đó có phải là sự vô tâm? Khi những người nông dân ế ẩm, lại muốn kêu gọi sự giúp đỡ, đó có phải là sự dựa dẫm? Để phân định rạch ròi là rất khó, nhiều chuyên gia lên tiếng rằng chúng ta không thể điều tiết và phát triển nền kinh tế thị trường dựa vào tình thương. Chúng ta cứ nghĩ việc mình đang làm là cách tốt nhất, nhưng đôi khi không phải như vậy.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã rất kiên quyết: "Cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới có thể biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu là đủ. Thị trường nông sản hiện nay rối quá. Không phải chỉ COVID-19 làm cho nông sản ùn ứ mà cứ lâu lâu lại có một đợt ùn ứ dưa hấu, thanh long, hành tím… Rất bất cập!".
Giải cứu người khác nhưng đừng tự làm khó mình
Không thể lên án tình yêu thương, sự tương trợ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn và rất nhiều người trong chúng ta sẽ không ngần ngại khi tiếp tục sử dụng tình yêu thương đó theo cách tự nhiên, tự nguyện. Chúng ta không đứng ngoài cuộc khi đồng bào còn gian nan, nhưng giải cứu người khác cũng đừng tự làm khó bản thân.
Ghi nhận tại một điểm giải cứu nông sản ở Hà Nội, hàng người xếp dài, họ có mặt từ sáng sớm để xếp chỗ, gGắng đợi cho đến lượt mình.
Hàng chục tấn nông sản mỗi ngày được người dân Hà Nội "giải cứu" tại điểm tập kết số 38 đường Giải Phóng. (Ảnh: NLĐ)
Mua gà giải cứu xuất phát từ sự tương trợ đồng bào vùng dịch lúc khó khăn. Vì lòng tốt nên bản thân mỗi người tự cho phép bỏ qua những thắc mắc về truy xuất nguồn gốc.
"Cô chỉ biết địa điểm này thông báo bán sản phẩm giải cứu cho đồng bào Hải Dương thì mua thôi, còn sạch hay không sạch thì cô không rõ lắm", một người dân cho biết.
Tinh thần tương thân của người dân chưa giảm nhiệt. Họ nhiệt thành mua đồ giải cứu nhưng mang về nhờ hàng xóm giải cứu bớt hộ mình. Mỗi loại nông sản giải cứu thường có túi từ 5 - 10kg.
Cũng để nông dân bớt khổ, nhiều tình nguyện viên đã lặn lội đêm hôm thu gom đơn hàng để phân phối. Bởi không là con buôn nên không chỉ phi lợi nhuận, mà sau mỗi chuyến giải cứu, chính họ còn bị âm nợ hàng chục triệu đồng. Cam kết giá đến tay người tiêu dùng bằng với giá mua tại ruộng, nhưng công thu gom, phí vận chuyển, phân phối, một bài toán đơn giản nhưng lại khó giải, để rồi giải được cho người nhưng lại không giải được cho mình.
Đừng mãi giải cứu nông sản! VTV.vn - Khắp Hà Nội xuất hiện hàng loạt điểm bán giải cứu rau củ quả từ Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!