Người dân Hà Nội đổ bỏ hàng tấn nông sản vì không có đầu ra

Nguyễn Sơn-Thứ tư, ngày 03/03/2021 20:33 GMT+7

VTV.vn - Tại huyện Mê Linh, Hà Nội, nhiều người dân lâm vào cảnh trắng tay, khi nông sản không có ai thu mua, hàng tấn cà chua, củ cải... đành phải vứt bỏ.

Ghi nhận tại thôn Đông Cao, huyện Mê Linh, Hà Nội, một cánh đồng đầy củ cải vừa nhổ lên, thế nhưng không phải nhổ lên để chở đi bán, mà là mang đi vứt. Gia đình chị Phương đầu tư vào sào ruộng này hơn 3 triệu đồng, dù được mùa, thế nhưng do dịch bệnh, củ cải không có ai mua, để lâu hư hỏng đành phải nhổ bỏ.

Vừa mất công chăm sóc, mà không thu lại được dù chỉ 1 đồng là tình cảnh chung của nhiều người dân trong thôn Đông Cao

"Ôi rẻ lắm, trước kia còn bán được giá, bây giờ toàn 1.000 - 2.000 đồng, 500 đồng còn chả có người mua, đành phải bỏ đi hết", chị Hà Thị Phương, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, cho biết.

Nguyên nhân chính của việc nông sản không được tiêu thụ được là vì dịch bệnh khiến việc vận chuyển hàng hóa đến các địa phương gặp nhiều khó khăn. COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể dừng hoạt động kéo theo các chuỗi cung ứng thực phẩm sụp đổ. Một kilogram củ cải lúc được giá có thể lên đến 7.000 đồng, còn giờ thì đổ đống cho bò ăn.

Người dân Hà Nội đổ bỏ hàng tấn nông sản vì không có đầu ra - Ảnh 1.

Củ cải tại huyện Mê Linh, Hà Nội không có khách hàng mua nên người dân đành phải nhổ bỏ. (Ảnh: PLO)

Không chỉ củ cải nhổ lên cho bò ăn mà ngay cả những ruộng cà chua đã chín nẫu xuất hiện ngày càng nhiều ở xã Tráng Việt. Vì thu hoạch về không biết bán cho ai nên người dân đành để rụng đầy ruộng. Dịch bệnh COVID-19 đang tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân Mê Linh.

Thậm chí, nhiều hộ dân đã chặt bỏ cả gốc cây để cây chết sớm, quả rụng nhanh hơn. Suốt hơn 2 tháng nay, sào cà chua nhà ông Tuyến (xã Tráng Việt) không bán được một quả nào, vặt bỏ là cách tốt nhất cho lứa quả mới phát triển, cũng là để chờ cho dịch bệnh lắng xuống.

"Thời gian đầu vụ chúng tôi bán được 5.000 - 8.000 đồng/kg, một sào khoảng 2 tấn thì cũng được một khoản thu nhất định, nhưng dịch bệnh thế này không bán được thì đành phải chấp nhận", ông Lương Chiến Tuyến, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ.

Dịch bệnh nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, cây cối vẫn phải sinh sôi phát triển. Vụ Đông Xuân thất thu vì COVID-19, nhưng vụ Hè Thu cũng vẫn phải gắng gượng gieo trồng vì người nông dân thì chỉ biết trông vào mảnh ruộng, còn dịch bệnh lại không có gì dự báo trước.

"Do dịch bệnh vẫn còn nên chúng tôi khuyến cáo bà con không nên xuống giống ồ ạt, nếu dịch bệnh dịch xảy ra chúng ta lại ùn tắc, sản phẩm không tiêu thụ được", ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, cho hay.

Thôn Đông Cao có hơn 200 ha đất nông nghiệp, được quy hoạch là vùng sản xuất rau trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Với sản phẩm chính là củ cải và cà chua, sản lượng đạt được vào đúng cao điểm dịch bệnh bùng phát đạt hơn 300 tấn. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực kết nối với các đơn vị để tiêu thụ nông sản cho bà con.

Nông sản ở nhiều địa phương rẻ như cho vẫn không có người mua Nông sản ở nhiều địa phương rẻ như cho vẫn không có người mua

VTV.vn - Để mặc cây trên đồng, nhổ bỏ chất đống, chặt cho gà vịt ăn hay bán rẻ như cho là những giải pháp không mong muốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước