Giải pháp để cung cầu công nghệ không "lệch nhịp"

Nguyễn Hùng-Thứ ba, ngày 03/09/2013 11:47 GMT+7

Mỗi năm, các Viện trường, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trên cả nước cho "ra lò" khoảng 2.000 phát minh, sáng chế mới nhưng chỉ rất ít trong số đó được đưa vào ứng dụng thực tế.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất lại đang vật lộn để tìm những giải pháp công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Kết nối giữa nhà nghiên cứu với đơn vị sản xuất đang được Bộ Khoa học công nghệ xây dựng như giải pháp cân bằng giữa cung và cầu của công nghệ.

‘ Ảnh: VTV News


60 đơn vị trong nước và quốc tế với hơn 100 sản phẩm công nghệ đã tham gia chương trình Kết nối cung - cầu công nghệ khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2013. Các loại công nghệ được giới thiệu chủ yếu thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch, công nghệ sản xuất và lai tạo giống cây mới... Đây đều là những công nghệ đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công và chỉ chờ được đưa vào sử dụng đại trà.

Chủ nhân của các sản phẩm công nghệ này đều rất tự tin và sẵn sàng cạnh tranh với công nghệ ngoại cả về chất lượng và giá thành.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết: "Chúng ta chủ động về công nghệ thì sẽ chủ động về dịch vụ sau bán hàng, không phải tốn kém qua các khâu trung gian, vận chuyển và chắc chắn giá thành sẽ cạnh tranh hơn".

Thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ đầu tư khoảng 0,2-0,3% doanh thu cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ vì vậy, con số 17 hợp đồng với trị giá hơn 150 tỷ đồng được ký kết tại chương trình vẫn quá ít với kỳ vọng của Ban tổ chức.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng: "Có doanh nghiệp để kết nối triển khai là yếu tố quan trọng nhưng cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ cơ quan nghiên cứu khoa học, nhà khoa học và doanh nghiệp đặc biệt là công nghệ mới. Trên cơ sở này mới có thể nhân ra trên diện rộng và mới có điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai".

Chia sẻ tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ cho biết, thị trường công nghệ nước ta còn thiếu một định chế trung gian vì vậy đôi khi, nhà khoa học nghiên cứu những công nghệ mà chưa chắc doanh nghiệp đã cần. Xây dựng định chế trung gian sẽ là giải pháp tạo cơ chế cho nhà khoa học và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ cho biết: "Chúng tôi mong muốn khi hoàn thành xây dựng hai sàn giao dịch quốc gia lớn ở Hà Nội và TP.HCM sẽ là nơi giao dịch công nghệ hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp và nhà khoa học".

Có một nghịch lý, mỗi năm các Viện trường các trung tâm nghiên cứu ứng dụng cho ra lò hàng ngàn phát minh, sáng chế mới nhưng chỉ rất ít trong số đó được đưa vào ứng dụng sản xuất. Trong khi đó, đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất vẫn luôn là bài toán khó cho các doanh nghiệp hiện nay. Kết nối cung cầu công nghệ đang được kỳ vọng là lời giải cho bài toán khó này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước