Giải pháp gì để tăng tốc và đào tạo kịp thời nguồn nhân lực bán dẫn?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 14/10/2023 13:34 GMT+7

VTV.vn - Tiềm năng phát triển ngành công nghệ bán dẫn của Việt Nam là rất lớn nhưng lại đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Sản phẩm của công nghệ vi mạch được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, nhất là lĩnh vực điện tử, truyền thông, các ngành công nghiệp… đặc biệt là trong các thiết bị di động, máy tính, ô tô, xử lý dữ liệu, truyền thông, điện tử tiêu dùng.

Những con chip dù có kích thước rất nhỏ nhưng lại đảm nhận các chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ… nên chip bán dẫn không thể thiếu trong tất cả các công nghệ hiện nay. Không quá khi nói sự thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là giá đỡ cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Giải pháp gì để tăng tốc và đào tạo kịp thời nguồn nhân lực bán dẫn?  - Ảnh 1.

Công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD. Ảnh minh họa.

Công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD. Thế nhưng ngành công nghiệp này lại đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực trầm trọng. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần thêm 1 triệu nhân sự trên quy mô toàn cầu.

Riêng tại Việt Nam, 5 năm tới ngành công nghệ bán dẫn sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư. Điều này tương đương mỗi năm cả nước cần 10.000 người nhưng nguồn nhân lực trong nước chỉ đáp ứng được 20%.

Để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần tạo đột phá đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc cách mạng số, tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Dự kiến sẽ đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Các cơ sở giáo dục đón đầu xu thế đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn

Để giải bài toán nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn, nhiều trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch.

Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 5 đơn vị đào tạo các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn, với khoảng 1.500 sinh viên được đào tạo mỗi năm. Cơ sở giáo dục đại học này dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Ngoài đào tạo kỹ sư, cử nhân, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này. Chú trọng đào tạo thêm các chuyên gia có thể tham gia vào công đoạn phát minh sáng chế.

PGS.TS Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng, các trường đại học cũng như là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ngồi với nhau để trao đổi nhu cầu thực sự cho từng công đoạn thiết kể. Chúng ta phải xác định được là công đoạn này thì cần bao nhiêu người, công đoạn kia cần bao nhiêu người, ít ra cũng là một tỷ lệ tương đối để có một cái quy hoạch. Chúng ta đào tạo một cách phù hợp để đảm bảo rằng sinh viên ra trường có việc làm ngay và hội tụ đủ các kỹ năng để doanh nghiệp có thể tuyển dụng".

Giải pháp gì để tăng tốc và đào tạo kịp thời nguồn nhân lực bán dẫn?  - Ảnh 2.

Nhiều trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch.

Tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm nay là năm đầu tiên trường thí điểm mã tuyển sinh riêng cho chuyên ngành thiết kế vi mạch, dự kiến năm sau sẽ xây dựng thành ngành đào tạo riêng. Tuy nhiên, do hiện nay ít thí sinh quan tâm nên trường mới chỉ tuyển sinh được 40 sinh viên, ít hơn một nửa so với chỉ tiêu đặt ra.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn - Trưởng Khoa Kĩ thuật máy tính, trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thách thức ngành này sinh viên giỏi, khi tham gia học tập phải có nỗ lực trải nghiệm thực hành, học tập thiết kế. Các bạn sinh viên phải có kĩ năng đặc biệt".

Công nghệ vi mạch, bán dẫn là một ngành mới mẻ ở Việt Nam, dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đại học phải tiếp tục giải quyết nhiều khó khăn trong lộ trình xây dựng chương trình đào tạo cho ngành này như đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên sâu, chưa có đủ cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu; việc thực hành thực tế của sinh viên ra sao khi chưa nhiều doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.

Cách đây vài năm, gần như tất cả những con chip đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng từ nay trở đi sẽ có hàng triệu, hàng tỷ con chip được sản xuất tại Việt Nam khi làn sóng dịch chuyển của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang hướng tới các thị trường mới.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vừa qua, nhiều hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới như: Intel, Marvell, Amkor… đã đến và đặt vấn đề hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Để nắm bắt được cơ hội này, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp đào tạo nhân lực bán dẫn

Vi mạch, bán dẫn là một ngành công nghệ cao, cập nhật liên tục và thay đổi nhanh. Cơ sở vật chất và công nghệ phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học luôn khó cập nhật nhanh bằng các doanh nghiệp. Chính vì vậy, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu về công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành vi mạch bán dẫn.

Những con chip được sản xuất tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa trường này với các trường đại học, các công ty công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp... Từ nhiều năm nay, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước là một trong những thế mạnh, nhưng đồng thời cũng được trường xác định là ưu tiên, nhất là khi triển khai các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Bắt tay cùng doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở đào tạo, mà còn là thiết kế, sản xuất phát triển sản phẩm vi mạch. Đặc biệt là chú trọng bảo hộ thương hiệu - một vấn đề quyết định trong định giá và mang lại lợi nhuận cho cả 2 phía. Nhờ vậy mà tạo ra sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn hàng đầu thế giới muốn hợp tác với các đại học trong nước.

Hoàn toàn miễn phí, học ngay tại doanh nghiệp, đây là cơ hội hiếm có cho sinh viên được tham gia những dự án thực tế ngay từ khi còn đi học. Còn với doanh nghiệp, đây là cách để họ chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng từ sớm.

Giải pháp gì để tăng tốc và đào tạo kịp thời nguồn nhân lực bán dẫn?  - Ảnh 3.

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang được nhận định có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, góp phần giúp Việt Nam tạo đột phá, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Một trong những "chìa khóa" để Việt Nam khai mở cơ hội vàng này chính là xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Với các chính sách mà Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chip bán dẫn mà sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.

Chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia của ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - đã có những bình luận xung quanh các vấn đề trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước