Chip bán dẫn hiện diện ở mọi nơi
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới như: Intel, Marvell, Amkor… đã đến và đặt vấn đề hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đây được xem là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam có thể bước chân vào thị trường được đánh giá nghìn tỷ đô này.
Thanh RAM - một linh kiện không thể thiếu trong những chiếc máy tính. Trên bảng mạch điện tử này là những con chip rất nhỏ, chỉ bằng chiếc móng tay. Trong một chiếc máy tính sẽ có hàng trăm con chip như thế này, dù cùng được tạo nên từ vật liệu bán dẫn, nhưng nhiệm vụ của mỗi con chip cũng khác nhau: có thể là xử lý, tính toán thông tin hoặc cũng có thể là lưu trữ dữ liệu.
Những con chip giống như bộ não của thiết bị và vì vậy nó là thành phần rất quan trọng với các thiết bị điện tử. Trên một số thiết bị như điện thoại thông minh, con chip dù có kích thước rất nhỏ, nhưng thậm chí có thể chiếm tới 30% giá trị của thiết bị đó.
Nhiều hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới như: Intel, Marvell, Amkor… đã đến và đặt vấn đề hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Cách đây vài năm, gần như tất cả những con chip này đều phải nhập khẩu, nhưng từ nay trở đi, sẽ có hàng triệu, hàng tỷ con chip được sản xuất tại Việt Nam khi làn sóng dịch chuyển của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang hướng tới các thị trường mới.
Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong ngành bán dẫn
Với nguồn lực dồi dào, Mỹ và châu Âu đã đưa ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn, nhằm thu hút các doanh nghiệp bán dẫn tới mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất. Trong đó TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cũng rót hàng tỷ USD cho dự án nhà máy tại bang Arizona, đồng thời phát triển nhà máy bán dẫn đầu tiên tại châu Âu.
"Tại châu Âu, chúng tôi rất quan tâm đến dự án đầu tư này của TSMC. Chúng tôi hy vọng có thể mở rộng hoạt động sản xuất chip tại châu Âu", bà Bettina Stark Watzinger, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Đức, cho biết.
Còn tại châu Á, Micron và Foxconn đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ. Trong khi Global Foundries - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới, vừa khai trương nhà máy quy mô 4 tỷ USD tại Singapore.
"Kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn vẫn sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Động lực cho sự tăng trưởng này là trí tuệ nhân tạo AI", ông Thomas Caulfield, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty GlobalFoundries, nhận định.
"Có lẽ Singapore chưa thể gia nhập lĩnh vực sản xuất chip cao cấp. Tuy nhiên với một số loại chip đặc thù chúng tôi vẫn có khả năng cạnh tranh và chúng tôi sẽ nâng cao năng lực trong lĩnh vực này. Những cam kết đầu tư của các công sản xuất chip cho thấy chiến lược của chúng tôi đã phát huy hiệu quả", ông Lawrence Wong, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore, cho hay.
Việt Nam chiếm 10% lượng chip nhập khẩu vào Mỹ
Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu vào Mỹ và nếu xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường này.
Đáng chú ý, đã có con chip 100% do người Việt Nam làm chủ từ khâu thiết kế cho tới những khâu cuối cùng. Quan trọng nhất là nó được làm ra ngay tại Việt Nam. 70 triệu con chip như vậy đã xuất hiện trên các thiết bị thông minh trên toàn cầu.
Việt Nam có thể làm chủ công nghiệp bán dẫn
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho biết: "70 triệu con chip đã được đặt hàng bởi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Những con chip mà chúng tôi phát triển là 100%. Khi chúng ta trở thành một trung tâm chip của thế giới thì công việc của chúng ta là bạt ngàn. Điều này là hy vọng rất lớn cho đất nước.
Chúng ta vươn lên bằng cách nào? Việt Nam sẽ phồn vinh bằng cách nào? Khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất mà chúng ta đã chứng minh rằng trong lĩnh vực phần mềm chúng ta có thể làm được".
Trước những đánh giá cho rằng, các tập đoàn công nghệ sản xuất chip trên thế giới đang hướng đến Việt Nam vì chúng ta có trữ lượng đất hiếm rất lớn, ông Trương Gia Bình cho hay, trước kia Nhật Bản mua cát của Việt Nam để mang về chế tạo đĩa trắng, nhưng cái này không lớn, không quyết định. "Vấn đề là chúng ta mang đến nguồn nhân lực như thế nào, chúng ta đem đến cái giá trị gì cho họ. Trước khi chúng ta làm phần mềm chúng ta phải ra nước ngoài thì nay chúng ta sản xuất chip ngay ở trong nước", ông Bình nhận định.
Phát triển nguồn lực chất lượng cao cho ngành điện tử và vi mạch bán dẫn
Để nắm bắt được cơ hội này, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ, dự kiến tình trạng thiếu kỹ sư bán dẫn, kỹ thuật viên và nhà khoa học máy tính trong ngành sẽ lên tới 67.000 nhân công vào năm 2030. Với nhu cầu về phát triển thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ đòi hỏi lượng chip cung ứng ngày càng lớn, Việt Nam sẽ chớp lấy cơ hội này bằng nguồn nhân lực dồi dào của mình.
Để cho ra con chip hoàn thiện, phải trải qua 3 công đoạn chính: thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói. Trong đó, công đoạn thiết kế chiếm khoảng 50 - 60% giá thành sản phẩm, công đoạn chế tạo chiếm khoảng 25 - 30%, còn lại công đoạn kiểm tra, đóng gói chiếm khoảng 15 - 20%.
Trung tâm đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn ra đời với nhiệm vụ quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho ngành này, làm cơ sở thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, thu hút nhà đầu tư quốc tế lớn và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước.
Chính quyền TP Hồ Chí Minh cho biết, với nghị quyết mới vừa triển khai, thành phố sẽ mạnh dạn thí điểm phát triển khu khoa học công nghệ cao với nền tảng chính là lĩnh vực chip điện tử, vi mạnh và bán dẫn.
"Trên cơ sở hợp tác với Tập đoàn Synopsis - chuyên cung cấp công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ, mục tiêu là hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, nơi hấp thụ nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn", ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh có thể đào tạo được trên 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!