Mỗi năm, lĩnh vực logistics của Việt Nam cần từ 20 - 25 nghìn nhân lực được đào tạo bài bản, thế nhưng, thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 5%. Thiếu nhân lực chất lượng cao là một trong những nút thắt khiến chi phí logistics/GDP của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước đang phát triển khác.
Mới đây, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội logistics Singapore về giải pháp kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng trong việc đào tạo kỹ năng thực tế cho nhân lực trong lĩnh vực này.
Ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội logistics Singapore cho biết: "Việc đào tạo để có những nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics là vô cùng quan trọng. Công ty nào cũng vậy, luôn cần những nhân sự có kỹ năng, có thể giải quyết nhanh chóng và chính xác những gì khách hàng yêu cầu. Vì thế, quan trọng nhất là phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với công việc, chứ không phải đào tạo cho có hoặc đào tạo ở ngành nghề khác rồi lại làm về logistics, khó có hiệu quả được. Logistics là một lĩnh vực đa ngành nghề, không chỉ hoạt động nội địa mà còn ra nước ngoài. Do đó, khách hàng lại càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp phải rất cao".
"Ở Singapore có những hình thức đào tạo rất đa dạng. Chúng tôi bắt đầu từ đào tạo lý thuyết trong trường đại học liên kết với Hiệp hội logistics Singapore. Bên cạnh đó, chúng tôi có 2 chứng chỉ khác nhau và một chứng chỉ nâng cao nữa. Tất cả đều được chứng nhận bởi Liên đoàn các hiệp hội giao nhận kho vận quốc tế. Tuy nhiên, để nhận được chứng chỉ này, cần phải có chứng nhận của Hiệp hội logistics Singapore. Chương trình đào tạo chứng chỉ cũng được liên kết với Đại học học xã hội Singapore. Sinh viên có thể học song song trong quá trình 4 năm đại học. Như vậy, khi ra trường có thể làm việc ngay trong ngành logistics mà không cần phải mất thời gian đào tạo chuyên sâu thêm" - ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội logistics Singapore chia sẻ.
Ngoài ra, ông Stanley Lim cũng cho biết: "Tôi thấy hiện nay, Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logisitics đã có những bước đi đầu tiên trong việc phối hợp với Viện nghiên cứu logistics để đào tạo nhân lực. Đó là một giải pháp rất tốt cho ngành logistics Việt Nam. Thêm nữa, cùng với sự tham gia của các trường đại học cũng là dấu hiệu rất rõ ràng cho việc các công ty và trường đại học muốn đồng hành cùng nhau để xây dựng ra những khoá học phù hợp với cái mà các công ty đang cần. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng ngay những kỹ năng đã được thực hành để ứng tuyển. Có như vậy mới có thể sử dụng thành thạo những công nghệ mới. Bởi ngày nay, công nghệ và tự động hoá chính là chìa khóa cho sự phát triển của ngành logistics".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!