Có thể nói nợ xấu là lực cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp nhà nước khó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược và sẽ như mò kim dưới đáy bể. Chính vì vậy việc giải quyết nợ xấu trước khi cổ phần hóa là bài toán với nhiều doanh nghiệp.
Trước khi cổ phần hóa, năm 2014 Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines phải đối mặt với khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều công ty thành viên đứng bên bờ vực phá sản. Việc cổ phần hóa rơi vào bế tắc.
Ngay lập tức, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu nợ của Vinalines, trong đó tập trung vào giải pháp chuyển nợ thành vốn góp mà hiểu nôm na là biến chủ nợ thành chủ sở hữu của một doanh nghiệp.
Cùng với các phương án khác, doanh nghiệp này đã xử lý được trên 3.500 tỷ đồng nợ xấu.
Ngay sau đó, 12 công ty thành viên của Tổng công ty Hàng hải thực hiện cổ phần hóa đều IPO thành công. Tỷ lệ bán cổ phần đều trên 60% và về đích sớm trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy cũng là một trong nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa thành công, nhờ xử lý trước nợ xấu.
Cách đây hơn 1 năm, Tổng công ty này cũng luôn trong tình cảnh thua lỗ. Nợ thuế, nợ lương công nhân chồng chất, thậm chí đứng trước nguy cơ hai lần phá sản. Nhưng ngay sau khi được Bộ Giao thông Vận tải tái cơ cấu nợ bằng cách phát hành trái phiếu, thoát khỏi món nợ hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp này đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, thậm chí còn chọn ngay được nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện việc cổ phần hóa.
Nợ xấu nay trở thành cổ phần, chủ nợ lại thành chủ doanh nghiệp. Xử lý được nợ xấu, doanh nghiệp từ tình trạng bán không ai mua, nay cổ phần lại đắt như tôm tươi.
Xử lý nợ xấu trước khi thực hiện cổ phần hóa là một giải pháp, một việc cần làm ngay đối với các doanh nghiệp nhà nước, nếu muốn cổ phần hóa thành công.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!