Giảm nhập trái cây ngoại, người tiêu dùng quay về nội địa

Mai Phương-Thứ tư, ngày 06/12/2023 13:13 GMT+7

VTV.vn - Tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, từng một thời chuộng trái cây Thái Lan với giá cả tương đương, người tiêu dùng hiện đã quan tâm nhiều hơn đến hàng nội địa.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi hơn 1,7 tỷ USD để nhập khẩu trái cây. Nếu so với năm 2022 là 1,87 tỷ USD có thể thấy nhu cầu trái cây nhập khẩu của năm nay đã giảm gần 6%. Đây là điều đặc biệt, bởi những con số này đang cho thấy xu hướng ngược lại so với những năm trước.

Bên cạnh yếu tố sức mua thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng đang có sự chuyển biến về chất lượng trái cây nội địa, khi nông dân và doanh nghiệp đang cho thấy hướng đầu tư bài bản vào phát triển thị trường trong nước.

Những diện tích của Hợp tác xã (HTX) Bưởi Năm roi, Da xanh Kế Thành đang áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP. Các xã viên đều tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn từ ngành nông nghiệp để tạo đầu ra thuận lợi hơn tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

"Quan trọng nhất là khâu an toàn thực phẩm. Đừng nghĩ mình sản xuất ra bán cho người ta ăn là không được. Mình là chủ nhà, chủ vườn mình ăn trước người tai. Nếu không an toàn là mình "chết" trước", ông Đặng Văn Nám, Giám đốc HTX Bưởi Năm roi, Da xanh Kế Thành, Sóc Trăng, chia sẻ.

Giảm nhập trái cây ngoại, người tiêu dùng quay về nội địa - Ảnh 1.

Người tiêu dùng đang sẵn sàng ủng hộ trái cây nội địa nếu đảm bảo các yếu tố chứng nhận chất lượng (Ảnh: PLO)

"Chúng ta phải có sự liên kết nhất định giữa doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt ở đây là HTX. Làm sao 2 nhà này phải gắn kết nhau, cùng nhau xây dựng mối liên kết này được tốt hơn", ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, nhận định.

Tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhu cầu của người tiêu dùng với trái cây trong nước đã thay đổi trong thời gian qua. Từng một thời chuộng trái cây Thái Lan với giá cả tương đương, người tiêu dùng trong nước đã quan tâm nhiều hơn đến hàng nội địa.

"Trái cây Thái Lan ít, chủ yếu giờ người ta thích trái cây miền Tây mình. Đa số là trái cây mình. Ví dụ mua măng cụt, người ta hỏi măng cụt này ở đâu, nói miền Tây là ok ngay", bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

"Tính tới tháng 11/2023 xuất khẩu gần 5,2 tỷ, nhập khẩu 1,6 tỷ, chênh lệch khoảng 3,5 tỷ. Điều đó cho thấy chất lượng hàng rau quả của Việt Nam ngày càng tốt, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nhóm 10 thị trường trái cây nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, có đến 8 thị trường ghi nhận mức giảm từ 4 - 20%. Nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng người tiêu dùng đang sẵn sàng ủng hộ trái cây nội địa nếu đảm bảo các yếu tố chứng nhận chất lượng vì thị trường 100 triệu dân trong nước rất đáng để đầu tư.

Tăng cường kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu Tăng cường kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu

VTV.vn - Tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ giúp trái cây xuất khẩu của Việt Nam giữ được đà tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước