Bất cứ người dân nào cũng cảm nhận được sức ép khi giá xăng, dầu tăng trong mọi sinh hoạt thường nhật. Chính vì vậy mà đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính đưa ra gần đây là rất đáng chú ý.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường thêm 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/ lít dầu. Nếu việc giảm giá này được thông qua trong tháng 7 và có hiệu lực thi hành từ tháng 8 đến hết năm, Bộ Tài chính tính toán mức thu ngân sách sẽ giảm khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu tính cả lần giảm trước đó, tổng giảm thu ngân sách cả năm sẽ vào khoảng 20.000 tỷ đồng.
Tờ Tuổi trẻ cho rằng nếu chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì "chẳng thấm vào đâu"
Với mức đề xuất giảm trên thì một số chuyên gia trên tờ Tuổi trẻ cho rằng: "Giảm thuế xăng dầu chẳng thấm vào đâu"
Như Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu đã liên tục thiết lập mức kỷ lục, thì việc giảm thuế Bảo vệ môi trường ở mức đề xuất như trên sẽ không có nhiều tác dụng, chưa đủ làm hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời gian tới. Bởi ngoài thuế bảo vệ môi trường thì trong cơ cấu tính thuế xăng dầu hiện nay còn có thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… vốn đã chiếm tới 13 đến 15.000 đồng/ lít.
Còn Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, một chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng vẫn cần thiết phải duy trì một số sắc thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt chẳng hạn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá bán như các sắc thuế.
Chính sách điều hành linh hoạt hơn?
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế quyền cho Chính phủ trong một khung điều chỉnh, tùy theo chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ để chủ động hơn trong ứng phó với giá xăng dầu.
Trên tờ Quân đội nhân dân, một số chuyên gia đánh giá cần phải có những chính sách giảm thuế mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ như có thể tính toán để giảm thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là các loại thuế đánh theo tỷ trọng giá nhập khẩu.
Cần có chính sách điều hành linh hoạt hơn với xăng dầu?
Giá nhập khẩu xăng thành phẩm càng cao thì tiền thu từ các loại thuế này càng lớn. Thực tế trong nửa năm qua, không ít quốc gia đã chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu để ngăn đà lạm phát leo thang.
Mới đây Bộ Tài chính đã giải thích vì sao chưa đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Cụ thể, theo Bộ này thì xăng là đối tượng chịu thuế đặc biệt theo thông lệ quốc tế. Hơn nữa điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.
Cần hướng đến việc nuôi dưỡng nguồn thu?
Cũng liên quan đến việc điều hành xăng dầu, tờ Đại biểu Nhân dân có bài bình luận với hàng tít đáng chú ý: "Giờ là lúc Bộ Tài chính thể hiện". Theo tờ báo này, rất cần sự linh hoạt trong điều hành, sự khéo léo vun vén. Lúc thuận lợi có thể duy trì các sắc thuế như vậy nhưng trong tình huống đặc biệt phải có các giải pháp đặc biệt. Khi giá xăng dầu tăng nóng như hiện nay, Bộ Tài chính cần rà soát các loại thuế vơi xăng dầu hiện hành và đề xuất miễn giảm hợp lý, đồng thời giải quyết tình trạng "thuế chồng thuế" để khoan sức dân, hỗ trợ tốt nhất cho Doanh nghiệp và người dân.
Không thể phủ nhận các loại thuế từ xăng dầu mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Nhưng chi phí xăng dầu là yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới mặt bằng giá cả, cuộc sống của người dân.
Chính vì vậy mà không ít các chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý nền hướng đến việc nuôi dưỡng nguồn thu. Doanh nghiệp có trụ vững, có phải triển thì mới có nguồn thu bền vững cho ngân sách. Người dân được giải tỏa áp lực từ giá cả, đời sống bớt khó khăn thì mới dám mở hầu bao để chi tiêu, tăng tiêu dùng nội địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!