VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Thùy Linh-Thứ tư, ngày 22/06/2022 18:05 GMT+7

VTV.vn - Về lâu dài , VCCI kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, VCCI đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

VCCI cho rằng, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội nên có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022.

"Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay", VCCI đánh giá.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng - Ảnh 1.

VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. ảnh minh họa

Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI góp ý dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.

"Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên, theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này", VCCI nêu trong văn bản.

Về mức giảm thuế bảo vệ môi trường, VCCI cho rằng, mức giảm thuế của dự thảo hiện nay là hợp lý vì đây là mức giảm cao nhất thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội (mức sàn của Luật Thuế bảo vệ môi trường).

VCCI đánh giá, dự thảo Tờ trình đã thuyết minh tương đối chi tiết tác động ngân sách trong trường hợp thực hiện phương án giảm thuế bảo vệ môi trường như đề xuất.

Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu) tăng mạnh. Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các thuyết minh về tác động tổng thể này giúp cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để ra quyết định.

Trước đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12-/2022 như sau:

- Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Bộ Tài chính kiến nghị trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước