Ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, gửi bộ trưởng các bộ liên quan và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều giải pháp đã được triển khai để tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại một cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, thời điểm 10h30', tình trạng người dân phải xếp hàng dài đi đổ xăng đã không còn.
"Mình thấy đổ xăng ở đây khá dễ dàng. Mọi người xếp hàng nhanh, không phải chờ đợi quá lâu", chị Nguyễn Lê Yến Vy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.
"Ở đây đổ xăng nhanh, không giới hạn số tiền đổ xăng, những cây khác gần nhà mình cũng vậy", chị Đoàn Thị Thanh Nga, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.
Người dân mua bán xăng tại một cửa hàng bán xăng dầu. (Ảnh: TTXVN)
Còn tại một cửa hàng xăng dầu khác ở vị trí thuận tiện giao cắt giữa đường Láng và ngã Tư Sở, thời điểm khoảng 11h, số lượng người dân đến mua xăng dầu rất đông, nhưng mỗi giao dịch đổ xăng cho xe máy chỉ mất từ 2 - 3 phút.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết họ đã chuẩn bị nguồn hàng tăng 1,4 lần so với Bộ Công Thương giao và bố trí đủ nhân viên để hỗ trợ khách hàng.
"Tăng cường đưa lượng hàng đã thống nhất mua từ tháng 12 để có khả năng nhập sớm trong tháng 11 nhằm dự phòng trong điều kiện nhu cầu xã hội tăng cao thì chúng tôi có sẵn nguồn hàng cung ứng ra thị trường", ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho hay.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Bộ cũng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!